Làm báo “làng”, có phận không danh!

Cập nhật: 20-06-2013 | 00:00:00

> Bài 1: Lắm gian nan!

>Bài 2: Vui buồn nghề “truyền thanh xã”

Bài cuối: Người làm báo “làng” sẽ có danh?

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương NGUYỄN QUANG HIỆP: Hội tiếp tục quan tâm việc đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức của người làm báo

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác phát triển hội viên của Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương, cũng như sự quan tâm của hội đến việc phát triển hội viên là những người làm công tác lâu năm tại các đài truyền thanh huyện, thị, thành phố, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương về vấn đề này.

- Thưa ông, ông có thể cho biết về công tác phát triển hội viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị cho những người làm báo?

- Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương có hơn 200 hội viên. Thời gian qua, hội luôn quan tâm việc phát triển hội viên, kết hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức nhiều buổi tập huấn, các lớp học nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là những quy định người làm báo tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; người làm báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ lợi ích nhân dân; hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; sống lành mạnh, trong sáng, không vụ lợi và làm trái pháp luật… Theo tôi, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm báo nói chung trong thời gian qua là chưa đủ. Do vậy, trong thời gian tới, trách nhiệm của hội là sẽ tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho người làm báo trong tỉnh. Hội sẽ đề nghị sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin - Truyền thông cùng phối hợp có một kế hoạch dài hạn, trong từng tháng, từng quý sẽ có kế hoạch cụ thể để mời các nhà báo lão thành cách mạng, nhà báo có uy tín để tổ chức nói chuyện và tập huấn cho những người làm báo; đồng thời qua thực tế cuộc sống, những người làm báo sẽ phát huy được vai trò chuyên môn của mình cũng như đạo đức của người làm báo chí cách mạng Việt Nam.  Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương luôn chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng cho hội viên. Trong ảnh: Phóng viên Báo Bình Dương phỏng vấn Bí thư Chi bộ ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng ngày 18-6-2013

- Những người làm công tác truyền thanh tại các đài truyền thanh huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng làm công tác báo chí thông tin nhưng họ luôn bị thiệt thòi, không được tham gia vào hội. Với vai trò là Chủ tịch hội, ông suy nghĩ như thế nào?

- Thật ra vấn đề này đã được bàn luận rất nhiều trong hai kỳ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam gần đây. Bản thân những người làm báo ở xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố vẫn làm công việc nghề báo nhưng họ không được công nhận là nhà báo, không được tham gia vào hội và trở thành hội viên. Một lý do trong điều luật cũng như các đại biểu nêu ra là các đài truyền thanh địa phương không được công nhận là cơ quan báo chí cho nên không thể cấp thẻ nhà báo, cũng như không được tham gia vào hội. Đây là vấn đề làm chúng tôi luôn trăn trở. Theo quan điểm của tôi, vấn đề này các ngành các cấp, cơ quan chuyên môn cần xem xét lại. Có thể nên xem xét từng trường hợp cụ thể và ưu đãi những người công tác từ 15 - 20 năm trở lên tại các đài truyền thanh địa phương để họ có thể gia nhập trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thông qua hội, những người này sẽ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của người làm báo chí cách mạng để họ có thêm kiến thức chuyên môn, nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, phục vụ sự nghiệp truyền thông tại địa phương ngày càng tốt hơn. Hiện nay, những người làm công tác tại các đài truyền thanh địa phương không tham gia vào hội nên việc nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cho họ rất khó khăn, đây là vấn đề chúng ta phải tính toán.

- Xin cảm ơn ông!

 Anh ĐẶNG MINH HẢI, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Tân Uyên: Tôi mong muốn được tham gia và trở thành hội viên Hội Nhà báo

Nhà cách xa cơ quan gần 20km nhưng anh Hải luôn bảo đảm giờ giấc làm việc và lịch công tác hàng ngày. Trên địa bàn huyện Tân Uyên, hầu như không có đơn vị cơ sở nào anh chưa đến. Sự nhanh nhạy và nhiệt tình đã làm động lực để anh gắn bó với nghề nhiều hơn. Hơn 3 năm làm phóng viên của Đài Truyền thanh huyện, anh đã kịp thời nắm bắt các tin tức, sự kiện diễn ra trên địa bàn, thông tin đến người dân tình hình thời sự, những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, anh còn cộng tác tin, bài với Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và Báo Bình Dương.

Anh Hải tâm sự, làm công việc phóng viên đài địa phương cực mà vui. Nhiều lúc phải tự mình dựng hình đã quay, phải đi cơ sở thật nhiều để viết bài phản ánh. Thời gian làm việc thì không cố định, có nhiều khi phải đi sớm về khuya. “Tuy công việc vất vả nhưng đã đem lại cho tôi niềm vui khi được tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là có thể mang đến cho người dân những thông tin, sự kiện trong huyện. Nếu có điều kiện, tôi muốn được tham gia và trở thành hội viên hội nhà báo để có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, giao lưu, phát huy hiệu quả công việc”, anh Hải chia sẻ.

 Chị ĐẶNG THỊ NGA, phóng viên, biên tập Đài Truyền thanh huyện Dầu Tiếng: Mở rộng điều kiện để các phóng viên địa phương được cấp thẻ hội viên

Gần 10 năm gắn bó với nghề báo chí đã giúp tôi học hỏi được nhiều điều hay, luôn học hỏi, sáng tạo. Cũng chính từ nghề báo, bản thân tôi được rèn luyện ý chí, bản lĩnh, linh hoạt hơn trong cuộc sống. Nghề báo là một nghề có nhiều thử thách, nhất là đối với giới nữ. Những lần tác nghiệp xa, trong mưa to gió lớn hay áp lực công việc đều phải nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay, nhà báo công tác tại các huyện, thị, thành phố ít được mọi người biết đến cũng như chưa được công nhận là một nhà báo thực thụ... Bên cạnh đó, hoạt động của các phóng viên vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như các phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho công tác phóng viên huyện, thị còn hạn chế.

Ngoài ra, mức khoán kinh phí tin, bài theo quy định chung của tỉnh tại các đài truyền thanh huyện, thị, thành phố đối với nam và nữ bằng nhau là một thiệt thòi đối với phóng viên nữ. Theo đó, cần có một chính sách quan tâm hơn đến các phóng viên nữ, mở rộng điều kiện để các phóng viên địa phương được gia nhập hội và trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời mở các lớp học, hội nghị, tọa đàm giao lưu với các phóng viên trong và ngoài tỉnh để có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác làm báo.

KIM TUYẾN

HỒ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên