Lễ hội đình làng - Mỗi miền một nét riêng

Cập nhật: 22-02-2014 | 00:00:00

Tại các đình làng trong cả nước, mỗi năm có một ngày lễ truyền thống để con cháu tưởng nhớ đến những vị đã có công lập đất, dựng làng. Bên cạnh đó, tạo nên nét riêng biệt, độc đáo cho từng vùng. Tham dự lễ hội truyền thống các đình làng từ Bắc vào Nam, chúng tôi mới cảm nhận được nét riêng, dấu ấn riêng của từng vùng miền. Tuy nhiên, việc lưu giữ, bảo tồn nghi thức cúng đình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người ...

Lễ hội long trọng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng từ thế kỷ XV, đình làng không còn chức năng thờ phật như trong những thế kỷ trước, mà là nơi thờ Thành hoàng. Thành hoàng có thể là những người có công với nước, với dân... Thành hoàng làng cũng có thể là người có công đầu trong việc lập làng, hoặc khởi xướng một ngành nghề, tức các vị tổ nghề. Đôi khi Thành hoàng làng chỉ là những nhân vật huyền thoại. Đình cũng có thể thờ những anh hùng của dân tộc, từ vua chúa đến các danh nhân và những người có nhiều công đức với làng. Do đó, để tưởng nhớ các vị tiền hiền đã xây dựng làng, các làng xã trong cả nước hầu hết đều có đình và cúng lễ long trọng.  

Nghi thức dâng hương tại đình Tân Trạch (Tân Uyên, Bình Dương)

Ngày 8-2 (mùng 9 Tết Giáp Ngọ), chúng tôi có mặt tại xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nơi diễn ra lễ hội truyền thống của đình làng Túy Loan, trên 500 năm. Làng Túy Loan được xem là một trong số ít những ngôi làng còn lưu lại những dấu tích cổ xưa nhiều nhất tại Việt Nam. Đình làng được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), thờ Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng. 20 sắc phong thần của vua các triều đại còn lưu giữ tại đình làng một cách trang trọng. Mỗi năm cứ đến hẹn lại lên, vào ngày mùng 9 tết, nhân dân trong làng lại long trọng tổ chức cúng đình trang nghiêm, với phần lễgồm Lễrước sắc phong, nhạc lễdâng hương tếđình giúp con cháu tưởng nhớ5 vịtiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê; phần hội với nhiều tròchơi dân gian vui nhộn như: Đẩy gậy, vật tay, kéo co, leo cây chuối, đua ghe… thu hút hàng ngàn người đến tham dự. Ông Đặng Công Nhơn (77 tuổi) -Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Với những người chưa bao giờ đến với làng cổ Túy Loan, thì đây là dịp tận mắt thưởng ngoạn hình ảnh đậm chất đồng quê Việt, với cây đa, giếng nước, sân đình… Còn những người đã từng tham dự lễ hội, thì không thể nào không quay trở lại, bởi không khí vui tươi, nhộn nhịp nhưng không kém phần trang trọng của ngày lễ hội”.  

Dâng lễ cúng tiền hiền tại đình Túy Loan (TP.Đà Nẵng)

Đi xa hơn về phía Bắc, tham dự lễ hội đình Tăng Bổng (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình), được chứng kiến cảnh cúng đình long trọng, ai ai cũng không thể quên. Sáng sớm ngày 12-1 âm lịch, trong tiết trời se lạnh, tất cả các dòng họ trong làng đều hối hả chung tay chuẩn bị mâm lễ của họ cúng tại đình. Ngoài ra, tại đình còn diễn ra các nghi thức rước thánh, dâng lễ vật… Phần hội, biểu diễn văn nghệ, những làn điệu mang đậm bản sắc địa phương, đá bóng... Bà Đỗ Thị Thảo, người dân xã Tân Lập, tâm sự: Lễ hội truyền thống tại đình 3 năm diễn ra một lần, do đó dù công việc buôn bán bận rộn chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian tham dự. Năm nay, thời tiết lạnh và mưa nhưng ai cũng vui vẻ tham dự và cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi đưa con cháu, đến với đình nhằm giáo dục đạo đức “Uống nước nhớ nguồn” để đi đâu chúng đều nhớ về quê cha đất tổ.

Hòa với không khí trang trọng tại các đình làng phía Bắc, Trung, các đình ở Bình Dương cũng bắt đầu vào ngày hội. Đình Tân An (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), xây dựng cách đây gần 200 năm, đến nay vẫn còn giữ lại những nghi thức cúng lễ. Lễ cúng đình được tổ chức hàng năm, nhưng lễ lớn nhất thường rơi vào các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu. Từ ngày 14 đến ngày 16-11 âm lịch, đình tổ chức cúng Kỳ Yên, với nghi thức rước sắc phong. Tại đình Tân Trạch (xã Bạch Đằng, Tân Uyên), ngoài lễ cúng Kỳ Yên trong rằm tháng giêng, đình còn cúng dịp 27-7 để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ địa phương, quê hương yên bình. Ông Từ đình Tân An, Trần Phát (SN 1951), nói: “Hàng năm, thểtheo nguyện vọng của dân làng, chúng tôi phối hợp với UBND xãtổchức lễhội đầu năm đểnguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gióhòa, giáo dục thếhệcháu con biết trân trọng giữgìn phát huy thuần phong mỹ tục, những giátrịvăn hóa truyền thống của tiền nhân, duy trìnét đặc trưng văn hóa ẩm thực của quê hương. Không chỉmang ýnghĩa giáo dục tinh thần nhớvềtổtiên cội nguồn, các lễhội còn thắt chặt tình đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Khuyến khích lớp trẻ tiếp nối truyền thống

Hầu hết tại các lễ cúng đình làng truyền thống từ Bắc vào Nam đều do những người lớn tuổi có uy tín trong làng dâng lễ, chầu, bởi vậy lớp trẻ đến đình chỉ thưởng ngoạn, hoặc đến cầu may chứ không biết về các nghi thức. Quan sát tại đình Bổng Điền, tôi gặp rất nhiều vị khách trẻ tuổi lúng túng, thắc mắc về các nghi thức đang cúng. Trước thắc mắc của các bạn trẻ, một thành viên Ban Quý tế đã đứng ra giải thích cặn kẽ từng nơi thờ cúng và các nghi thức. Cụ Thi, thành viên Ban tổ chức lễ, tâm sự: Để các cháu hiểu về lễ hội của làng, trong lễ chính có phần giới thiệu về lịch sử hình thành đình làng. Ngoài ra, Ban Quý tế đình làng còn tìm, truyền trao nghi thức cho những người trẻ có tài trong làng để lễ hội luôn trường tồn theo thời gian.

Trao đổi với các ông từ giữ đình tại Bình Dương, chúng tôi cũng nhận được những trăn trở về vấn đề “tre già măng mọc” trong nghi thức cúng đình. Ông Lê Văn Quý, ông từ đình Phú Long (TX.Thuận An, Bình Dương), cho biết: Trước đây, lễ cúng đình được tổ chức long trọng nhưng hiện nay đã cắt giảm rất nhiều. Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên cái gì cũng nhanh, gọn. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng có thể bó gọn, nhất là các nghi thức, lễ nghĩa, bởi như vậy sẽ làm mất dần nét riêng, bản sắc riêng biệt của từng đình, từng địa phương. Bên cạnh đó, người dân đến dự lễ cúng đình không hẳn cầu xin lộc mà còn muốn quay trở về với những giá trị cổ xưa. Thế nhưng, một điều đáng buồn, nghi lễ xưa cũng chỉ còn trong hồi tưởng của những người “sống chung” với đình làng.

Ông Võ Văn Sơn, thành viên Ban Quý tế đình Tân Trạch, bộc bạch: “Hiện nay, những ngôi đình trong tỉnh hầu hết được xếp vào di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, quốc gia và được UBND tỉnh quan tâm, tu bổ nên vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân tất bật với công việc, nhất là lớp trẻ, do đó những ngày cúng đình chỉ còn lại mấy người lớn tuổi. “Tre già măng mọc” nhưng nay tre già măng không thấy, chúng tôi rất e ngại sẽ dần mất đi bản sắc văn hóa, nét đẹp trong nghi thức cúng đình”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=651
Quay lên trên