Lò đào tạo bóng đá!

Cập nhật: 01-02-2012 | 00:00:00

Chiều tối 30-1, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã công bố chương trình đào tạo “bóng đá cộng đồng” do VFF và CLB lừng danh thế giới Barcelona (Tây Ban Nha) kết hợp tổ chức tại Việt Nam.  Ông Nguyễn Lân Trung và đại diện CLB Barcelona trong buổi giới thiệu chương trình bóng đá cộng đồng

Theo ông Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch VFF kiêm Giám đốc Chương trình bóng đá cộng đồng của CLB Barcelona tại Việt Nam, thì “mục đích của chương trình là tổ chức được các khóa học bóng đá theo phong cách Barcelona ở Việt Nam, tiến tới thành lập trường đào tạo bóng đá cộng đồng Barca trong tương lai”. Chương trình dự kiến thu hút sự tham gia của các em học sinh từ 6 tuổi đến 14 tuổi. Các khóa giảng dạy sẽ được tổ chức mỗi ngày cho 2 nhóm sáng và chiều, dưới sự dẫn dắt của các HLV đến từ FC Barcelona. Các em sẽ có cơ hội để trải nghiệm về triết lý đào tạo bóng đá của Barca, giáo trình giống như các danh thủ Messi, Iniesta hay Xavi từng đã trải qua. Kết thúc khóa học (trong 3 năm), các học viên tham gia sẽ nhận được chứng chỉ của Học viện đào tạo trẻ FCBEscola thuộc CLB Barcelona.

Vậy là từ nay, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một “lò” đào tạo cầu thủ trẻ cho bóng đá chuyên nghiệp, góp phần kéo gần lại ước mơ một ngày nào đó bóng đá nước nhà sẽ có cầu thủ tham gia chơi bóng tại các giải VĐQG danh tiếng của châu Âu. Điểm đáng chú ý là các trẻ em yêu bóng đá của Việt Nam không cần phải đi đến lò đào tạo La Masia tận Tây Ban Nha hay các “chi nhánh” của nó tại một số quốc gia khác mà vẫn có điều kiện tiếp cận với trường phái bóng đá Tiqui-taca của CLB Barcelona - đang thống trị bóng đá thế giới. Càng đáng mừng hơn, những trẻ em vượt qua kỳ sơ tuyển của chương trình sẽ không phải đóng học phí (100 USD) như khi “bóng đá cộng đồng” của Barcelona triển khai ở các quốc gia khác...

Tuy nhiên, sau niềm vui thoáng qua, chúng tôi không khỏi tránh được cảm giác lo lắng khi nhìn lại về thực trạng công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay. Hiện tại, ngoài Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG có uy tín đang hoạt động hiệu quả tại Gia Lai, hứa hẹn sẽ cho ra lò lứa cầu thủ có đẳng cấp chơi bóng mang tầm châu lục và nền tảng kiến thức văn hóa - ngoại ngữ tạm ổn để có thể đủ sức hành nghề bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai tại các quốc gia châu Âu, châu Á thì các “lò” đào tạo còn lại đa số đều hoạt động theo kiểu “mì ăn liền”. Thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, tại các lò đào tạo bóng đá đang hoạt động hiện nay (trừ Học viện HAGL - Arsenal - JMG) kể cả liên danh - liên kết với nước ngoài hay các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của các CLB trong nước thì đều có chung cách làm là “sao chép” giáo trình, bài bản huấn luyện của một trung tâm đào tạo trẻ có uy tín, hoặc tải các tài liệu từ internet về phục vụ cho công tác giảng dạy.

Chưa nói đến tính pháp lý của việc “sao chép” này mà chỉ cần đề cập đến sự hợp lý - khoa học và tính hiệu quả của việc áp dụng máy móc các giáo trình của nước ngoài vào việc đào tạo cầu thủ trẻ Việt Nam (vốn có thể hình, chỉ số sinh học, khả năng tư duy rất khác so với các nước châu Âu, châu Phi hoặc khu vực Tây Á, Đông Á) thì cũng đã bộc lộ rất nhiều bất ổn. Vừa rồi đến thăm một đội bóng trẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi các cầu thủ dù đã 16 - 17 tuổi nhưng các động tác kỹ thuật cơ bản thì vẫn chưa hoàn chỉnh (lý ra từ 14 - 15 tuổi các em phải đáp ứng yêu cầu cốt lõi trên), khả năng tư duy chơi bóng quá tệ. Trao đổi với chúng tôi, một HLV giải thích: “Các cầu thủ đó toàn đến từ các trung tâm đào tạo trẻ có tiếng trong nước đó chứ, nhưng chắc là do con em gia đình giàu có nên không chịu học tập, rèn luyện cho ra trò, lại thiếu ý thức phấn đấu nên đành chịu...”.

Ngoài vấn đề trên, một mảng hết sức quan trọng là học văn hóa - ngoại ngữ cũng không được các trung tâm đào tạo trẻ ở Việt Nam hiện nay chú trọng hoặc chỉ làm theo kiểu cho có, phó mặc cho ý thức tự thân của từng VĐV. Đó cũng là lý do vì sao bóng đá Việt Nam hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều cầu thủ có cách hành xử phi văn hóa, dễ sa ngã trước những cám dỗ của tiêu cực, đồng tiền, lối sống bệnh hoạn... Ngồi bàn luận vấn đề này, một phụ huynh ở gần nhà người viết, có cậu con trai rất mê nghiệp cầu thủ tặc lưỡi: “Công ty Becamex làm được nhiều công trình lớn như xây dựng hàng loạt trường đại học quốc tế, xây được cả thành phố mới nhưng tại sao lại không liên kết với một CLB lừng danh nào đó như AC Milan hay Liverpool mở học viện bóng đá quốc tế ngay tại Bình Dương?”. Chúng tôi xin nhường câu trả lời này cho những người có trách nhiệm.

LONG VĨNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên