Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CLB bóng đá Bình Dương: Đã đến lúc các CLB nên ngồi lại với nhau

Cập nhật: 15-12-2012 | 00:00:00

 (BDO) Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 10, nhiệm kỳ VI vừa bế mạc tại Hà Nội đã có những quyết sách quan trọng đối với đường hướng tổ chức, phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong mùa giải 2013 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, Ban Chấp hành VFF đã quyết định bác bỏ “sáng kiến” của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa đội tuyển U22 Quốc gia tham dự V-League 2013, vốn gây dư luận phản ứng mạnh mẽ trong tuần qua.

  Chủ tịch Nguyễn Minh Sơn (trái) luôn sát cánh cùng bóng đá Việt Nam.Nhân dịp này, chiều 14-12, báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CLB bóng đá Bình Dương, đơn vị quản lý đội bóng Becamex Bình Dương (B.BD) xung quanh những vấn đề nóng bỏng của bóng đá nước nhà, mà đội bóng đất Thủ được xem là một trong những ngọn cờ đầu.

- Ông đánh giá thế nào về những quyết sách của Ban Chấp hành VFF thông qua hội nghị lần thứ 10, khóa VI vừa bế mạc?

- Quan điểm của B.BD trước sau như một: Đã là bóng đá chuyên nghiệp thì nhất định phải có CLB lên và xuống hạng. Ngay cả giải bóng đá phong trào, cup Becamex của chúng tôi cũng vận hành theo phương án có đội lên & xuống hạng. Với đề xuất không có đội xuống hạng của VPF thì việc gặp những phản biện dồn dập trong thời gian qua là đương nhiên. Điều đó chứng tỏ bóng đá vẫn được xã hội quan tâm đặc biệt.

Rất mừng là, không phụ lòng của người hâm mộ, giới chuyên môn, dư luận, Ban Chấp hành VFF đã sáng suốt, kịp thời đưa ra những quyết sách chặn đứng những biểu hiện lệch lạc, có thể đẩy bóng đá Việt Nam đến tình trạng khủng hoảng toàn diện, sâu sắc hơn. Bóng đá Việt Nam rồi sẽ về đâu nếu như các giải đấu đỉnh cao nhất quốc gia, như V-League, hạng Nhất thi đấu mà không có đội xuống hạng?

Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao quyết định của Ban Chấp hành của VFF trong việc chuẩn bị áp dụng quy định không cho phép chuyển đổi phiên hiệu, hạng thi đấu của các đội bóng, CLB kể từ mùa giải năm 2014. Quyết định này khi đi vào thực hiện chắc chắn sẽ góp phần giúp cho V-League cũng như hạng Nhất bớt đi tình trạng xô bồ như hiện nay khi không thích làm bóng đá thì bán đội, chuyển đổi phiên hiệu xoành xoạch và nhất là chuyện nghịch lý rớt hạng nhưng vẫn tồn tại nhờ mua lại suất của đội khác…

- Bóng đá Việt Nam, nhất là giải V-League đang đối diện với giai đoạn vô cùng khó khăn, nhiều đội đã không thể tồn tại, chẳng phải chỉ vì lý do thiếu kinh phí. Với kinh nghiệm của mình, theo ông các CLB cần phải làm gì để vượt qua giai đoạn này?

- Xác định đây là giai đoạn khó khăn của bóng đá Việt Nam, nên B.BD cam kết sẽ chung lưng đấu cật với Ban tổ chức giải. Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các CLB khác hãy sát cánh với BTC để cùng nhau vượt khó, góp phần để bóng đá Việt Nam nhanh chóng lấy lại vị thế vốn có của mình. Bên cạnh đó, theo tôi, các CLB cần ngồi lại với nhau để thống nhất mức trần về lương - thưởng để tránh tình trạng tranh nhau mua, người bán thì tha hồ làm giá khiến cho giá trị cầu thủ trở nên ảo, vượt quá khả năng thanh toán của nhiều CLB; còn cầu thủ cũng ảo tưởng theo mức giá mà mình được nhận nên sinh ra “sao số”, hư hỏng. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam ngày càng giảm chất lượng, mất dần niềm tin từ người hâm mộ, nhà đầu tư tâm huyết và đương nhiên kéo theo khủng hoảng với hiện tượng phá sản, giải thể đội bóng. Đã đến lúc lãnh đạo các CLB nên ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề mang tính hệ trọng như trên.

- Thành tích của ĐTQG sẽ phần nào nói lên chất lượng của giải VĐQG và cả một nền bóng đá. Theo ông, liệu thành tích tệ hại của ĐTVN tại  AFF Cup 2012 vừa rồi có phải có một phần hệ quả của việc các đội bóng trong nước quá xem nhẹ chuyện đầu tư phát triển mang tính bền vững, trong đó có chuyện thiếu nghiêm túc khi đại diện Việt Nam tham dự các giải đấu của AFC?

- Chính xác. Bóng đá Việt Nam sẽ chẳng thể vươn khỏi đẳng cấp Đông Nam Á nếu như các đội dự V-League làm bóng đá theo kiểu cơ hội nhằm tranh thủ những lợi ích lớn hơn, mang lại qua việc đầu tư nuôi đội bóng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất trăn trở khi nhiều đội bóng đã tìm mọi cách để sớm bị loại khi đại diện Việt Nam tham gia tại các giải đấu chính thức do AFC tổ chức. Những giải đấu do AFC tổ chức hoặc các giải quốc tế mở rộng chính là cơ hội lớn để cọ xát, học tập, tích lũy kinh nghiệm thi đấu qua đó nâng cao trình độ cho cầu thủ Việt Nam. Đương nhiên, ĐTVN sẽ được hưởng lợi khi có nhiều tuyển thủ được thi đấu các giải quốc tế, va chạm với nhiều đối thủ có trình độ, đẳng cấp cao hơn. Nói dễ hiểu, chỉ cần nhìn vào sự áp đảo của các CLB Hàn Quốc, Nhật Bản tại các giải đấu AFC Cup, AFC Champions League là đủ biết ĐTQG của các nước này đẳng cấp và vị trí sẽ thế nào khi họ tranh tài ở Giải vô địch châu Á, Asian Games.

Đã đến lúc các CLB V-League nên nghĩ đến sân chơi quốc tế, chinh phục các danh hiệu quốc tế chứ đừng nên quanh quẩn, tự hài lòng với các giải trong nước như thời gian vừa qua. Điều đó sẽ không có lợi cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Chí Thanh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên