Thu hút người lao động gia nhập công đoàn: Nhiều vấn đề đặt ra

Cập nhật: 19-11-2016 | 08:01:12

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức “Tọa đàm quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động (NLĐ)”. Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề đặt ra để thu hút NLĐ gia nhập công đoàn…

Tuyên truyền đúng, trúng

Trước đây, việc NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn là điều đương nhiên khi được nhận vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của NLĐ ngày càng được coi trọng, trên cơ sở NLĐ là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, để NLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa chiến lược. Tại Khoản 2 Điều 190 Bộ luật Lao động nghiêm cấm việc “ép buộc NLĐ thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” và Điều 5 Luật Công đoàn quy định NLĐ “có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”, theo đó thời gian qua, các cấp công đoàn luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ công đoàn là tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.


Các đại biểu trao đổi ý kiến sôi nổi tại buổi tọa đàm

Bà Ong Thị Hoàn Mai, Chủ tịch LĐLĐ TX.Thuận An cho biết: “Việc phân định rõ ràng quyền lợi “đoàn viên” và “không phải đoàn viên” ở đơn vị, doanh nghiệp còn nhập nhằng, vì coi việc thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp chỉ nhằm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ và tập thể lao động, còn việc chăm lo cho đoàn viên hay không phải đoàn viên đều như nhau. Vì vậy, công tác tuyên truyền NLĐ gia nhập công đoàn gặp rất nhiều khó khăn”.

Chia sẻ khó khăn đó, chị Quách Tố Nga, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia, TX.Tân Uyên chia sẻ: “Để NLĐ trong công ty tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn, Ban chấp hành công đoàn phối hợp chặt chẽ với phòng nhân sự giải thích cho họ hiểu tham gia công đoàn, NLĐ là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật công nhận. Đặc biệt, NLĐ là đoàn viên công đoàn có quyền yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm, được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí về lao động, công đoàn. Ngoài ra còn được yêu cầu công đoàn đại diện cho mình trước pháp luật, trước tòa án, hỗ trợ án phí với những việc liên quan đến lao động, công đoàn”.

Không chỉ giải thích, nhiều công đoàn cơ sở (CĐCS) còn tổ chức tọa đàm, trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để tuyên truyền vận động họ tham gia công đoàn. Bên cạnh quyền được bảo vệ, quá trình tuyên truyền, các tổ chức công đoàn còn làm cho NLĐ hiểu là đoàn viên có quyền đề xuất với công đoàn kiến nghị với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật với NLĐ, được chăm lo mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch do công đoàn tổ chức…

Vì người lao động

Ông Lê Nho Lượng, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương cho biết: “Để NLĐ hiểu về công đoàn, trước hết, hoạt động của công đoàn phải vì NLĐ, là tổ chức để NLĐ tin tưởng gửi gắm tâm tư, là chỗ dựa khi khó khăn và tự hào khi được là thành viên. Cho nên, yếu tố quan trọng đầu tiên thu hút phải từ hoạt động của cơ sở. CĐCS phải thực sự vì NLĐ, đấu tranh cho quyền lợi, giải quyết được các bức xúc của NLĐ thì họ sẽ sẵn sàng tham gia”.

Trước yêu cầu đó, anh Hoàng Thanh, Trưởng phòng quản lý lao động, Ban Quản lý các KCN Bình Dương nêu ý kiến: “Giải bài toán thu hút NLĐ tham gia công đoàn, trước tiên CĐCS phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động và thực hiện nhiệm vụ chăm lo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ; NLĐ cần chủ động trong việc xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, loại bỏ những hoạt động của CĐCS không có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”.

Chia sẻ với đại biểu về những giải pháp, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: “Để thu hút NLĐ tham gia tổ chức, trước hết, công đoàn phải vững về tổ chức, mạnh về chuyên môn, cán bộ phải tâm huyết, bản lĩnh, cơ sở vật chất phải đầy đủ. Theo đó, các cấp công đoàn ở Bình Dương cần tập trung thực hiện những nội dung thuộc các vấn đề về quan hệ lao động, giảm hoặc lược bớt các nhiệm vụ khác, không liên quan đến quan hệ lao động. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn; thay đổi phương thức chỉ đạo từ hành chính sang trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để cơ sở giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc; song song đó là việc đổi mới quy trình, cách thức tuyên truyền, vận động phát triển, thành lập CĐCS”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên