Tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều cách làm hay cần nhân rộng

Cập nhật: 24-07-2019 | 10:00:10

Xác định tầm quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số là để góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay và mang lại hiệu quả.


Với tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng, thời gian qua, nhiều người Chăm ở ấp Hòa Lộc đã làm đơn tự nguyện tham gia vào Tổ xung kích chống tội phạm tại ấp

Gắn bó từ cơ sở

Nhằm góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương đã đưa cán bộ về đứng điểm với phương châm gần dân, sát cơ sở để giúp dân.

Với phương châm gần dân, sát cơ sở để phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho bà con, giúp họ dễ dàng tiếp thu các nội dung kiến thức pháp luật, nhiều địa phương đã đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật. Song song với công tác này, cán bộ chức năng kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chính sách pháp luật theo hướng đơn giản hóa. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức các hình thức sân khấu hóa liên quan đến kiến thức pháp luật, lồng ghép với chương trình văn hóa văn nghệ phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân địa phương.

Theo tìm hiểu của P.V, ấp Hòa Lộc, thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng là nơi cư ngụ của nhiều người dân tộc Chăm. Địa danh này được biết đến là “làng Chăm” ở Minh Hòa. Người dân ở “làng Chăm” sống bằng nghề chài lưới ven lòng hồ Dầu Tiếng. Theo số liệu điều tra dân số của chính quyền xã Minh Hòa, ấp Hòa Lộc hiện có 108 hộ dân, 457 nhân khẩu là người Chăm. Với phương châm cán bộ phải gần dân, sát cơ sở, thời gian qua, chính quyền xã Minh Hòa đã phân công cán bộ phụ trách ấp Hòa Lộc để phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người dân, giúp người dân chấp hành tốt về pháp luật. Ngoài ra, tại ấp Hòa Lộc đã thành lập được Tổ xung kích chống tội phạm hơn 10 thành viên.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Ấp Hòa Lộc cách xa trung tâm xã Minh Hòa 12km. Thời gian qua, ấp Hòa Lộc có nhiều chuyển biến rất tích cực về ANTT. Để có được kết quả này là do chúng tôi tăng cường cán bộ xã xuống ấp để nắm thông tin tình hình, phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng người Chăm. Cán bộ tư pháp xã phối hợp với Công an xã Minh Hòa thường xuyên tổ chức những đêm văn nghệ có nội dung phổ biến pháp luật; cấp phát tờ rơi tuyên truyền; đến tận nhà những người có uy tín ở địa phương để nhờ giúp đỡ trong việc tuyên truyền pháp luật”.

Cụ thể, tại ấp Hòa Lộc có ông Kho Sanh, Sa Liêm… được xem là những người có uy tín trong cộng đồng người Chăm. Những người này được xem là cánh tay nối dài, giúp địa phương truyền tải kiến thức pháp luật đến với người Chăm trên địa bàn.

Tương tự, xã An Bình, huyện Phú Giáo có 267 hộ, trên 1 ngàn nhân khẩu là bà con dân tộc thiểu số sống tập trung tại ấp Tân Thịnh, Nước Vàng. Để bà con nhận thức đúng về pháp luật, thời gian qua, xã An Bình tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đối với người dân. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Công an xã An Bình, cho biết: “Chúng tôi dựa vào người dân để giữ gìn ANTT tại địa phương; trong đó, đơn vị chú trọng vận động những người có uy tín trong cộng đồng bà con để giáo dục cho con cháu họ về pháp luật” .

Tại ấp Tân Thịnh, Nước Vàng có ông Ngưu Bư, Ngưu Ngọt, Kim Niệm, Kim Văn Phước… là những người được cho là “cây đa, cây đề” trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở địa phương, tích cực giúp đỡ chính quyền địa phương trong công tác này. Để hạn chế thanh niên vi phạm pháp luật, địa phương nhờ đến những người có uy tín tập hợp đối tượng này lại để truyền đạt kiến thức về pháp luật. Cán bộ tư pháp xã phối hợp tổ chức nhiều đêm văn nghệ để lồng ghép nội dung pháp luật, cấp phát tờ rơi tuyên truyền. Công tác này có tính thường xuyên ở địa phương, từ đó đã hạn chế được tình trạng thanh niên của 2 ấp Tân Thịnh và Nước Vàng vi phạm pháp luật.

Khi người dân hưởng ứng

Tiếp xúc với ông Kho Sanh, ngụ ấp Hòa Lộc chúng tôi được ông cho biết: “Lâu nay cộng đồng người Chăm chúng tôi đề ra quan điểm sống: Trộm cắp, cướp giật tài sản, nói dối… là hành vi xấu, vi phạm pháp luật. Người Chăm chúng tôi đề ra tiêu chí này để dạy bảo con cháu sống tốt đời, đẹp đạo. Nếu một người trong gia đình vi phạm sẽ bị cộng đồng người Chăm kỳ thị, lên án.

Kể từ lúc về ấp Hòa Lộc định cư, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp cuộc sống của người Chăm được cải thiện hơn nhiều. Chúng tôi được cán bộ dạy cho cái chữ để nhận thức về pháp luật. Khi đã biết về pháp luật thì người Chăm sẽ không vi phạm pháp luật. Trong nhiều năm liền, gần 500 người Chăm sinh sống tại ấp Hòa Lộc không vi phạm pháp luật. Bản thân tôi đã vận động người dân trong ấp tích cực tham gia trong Tổ xung kích chống tội phạm tại ấp. Nhờ đó, thời gian qua, nạn trộm cắp trên địa bàn ít xảy ra”, ông Kho Sanh cho biết.

Trong khi đó, ông Ngưu Bư, ngụ xã An Bình, cho rằng bản thân ông từng tham gia công tác tại địa phương. Khi về sống trong cộng đồng khu dân cư phải gương mẫu, đi đầu trên nhiều lĩnh vực, trong đó việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho người đồng bào cũng là một trách nhiệm với dân với Đảng, Nhà nước. “Để thể hiện tinh thần đó, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ xã An Bình thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân, nhất là những thanh niên trong ấp. Thông qua Ban Điều hành ấp và công an viên, chúng tôi có được danh sách những thanh niên rượu chè bê tha. Sau đó chúng tôi gọi những người này lên sinh hoạt riêng với mục đích giúp con cháu sống tốt hơn. Khi thấy con cháu ăn nên làm ra, chấp hành đúng theo pháp luật là niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng chúng tôi”, ông Ngưu Bư vui vẻ nói.

Sáng ngày 4-7, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các thành viên trong Tổ xung kích chống tội phạm ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa phát hiện đối tượng Lê Đình Trinh (32 tuổi), Hồ Thị Thúy Kiều (38 tuổi, cùng quê Bình Phước) có nhiều biểu hiện nghi vấn trộm cắp nên theo dõi. Lúc 10 giờ cùng ngày, khi thấy xe máy BS 61H1 - 282.79 của chị Lê Thị Kim Hương dựng trước cổng trường Minh Hòa không người trông coi, trên xe vẫn còn chìa khóa, Trinh tiếp cận và trộm xe tẩu thoát liền bị các “hiệp sĩ” cùng lực lượng Công an xã Minh Hòa truy đuổi, bắt giữ cùng tang vật ngay sau đó.

Trước đó, 3 đối tượng gồm Lê Mỹ Cường (36 tuổi, ngụ xã Minh Tân), Lê Thanh Minh (39 tuổi, ngụ thị trấn Dầu Tiếng) và Trương Văn Vàng (27 tuổi, ngụ xã Minh Hòa) có dấu hiệu đáng ngờ nên bị người dân theo dõi. Cuối giờ chiều cùng ngày, các đối tượng nêu trên đem theo dụng cụ leo lên mái hiên nhà ông Hồ Thanh Bình (ấp Hòa Lộc) với mục đích tháo mở bồn chứa nước bằng inox để trộm. Ngay sau đó cả nhóm bị các “hiệp sĩ” Sa Liêm, Châu Văn Solek, Maham Mach Aly CamXar, thuộc Tổ xung kích chống tội phạm ấp Hòa Lộc bắt quả tang, giao cho công an địa phương xử lý theo thẩm quyền. Làm việc với lực lượng chức năng, 3 đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi trộm cắp bồn nước. Đồng thời, bọn chúng còn khai trước đó đã đột nhập vào nhà ông Hồ Thanh Bình để trộm cắp 1 máy phát điện trị giá 35 triệu đồng cùng nhiều sắt thép xây dựng của gia đình ông Bình.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=571
Quay lên trên