Vì nước quên mình

Cập nhật: 26-02-2013 | 00:00:00

Trong lịch sử nhân loại, Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu, chiến thắng 2 đế quốc sừng sỏ nhất là Pháp và Mỹ. Viết nên trang sử vẻ vang ấy, cùng với quân, dân cả nước, đội ngũ cán bộ y tế đã đóng góp nhiều công sức để giữ gìn sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ. Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay chúng tôi đã gặp 2 cán bộ lãnh đạo ngành y tế để nghe họ kể về những năm tháng công tác trong thời kháng chiến.

 Người nữ y sĩ dũng cảm

 Chúng tôi đến thăm bác sĩ Nguyễn Thị Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế, từng là một thầy thuốc kháng chiến khi cô vừa dự họp mặt cán bộ kháng chiến Thủ Biên, tổ chức tại Tây Ninh trở về. Tâm trạng vẫn còn phấn khởi, cô nói, cô rất vui mừng khi được gặp lại các đồng đội đã từng “cùng chung chiến hào” trước đây. Những ký ức cứ thế ùa về, mọi người cùng nhắc lại những kỷ niệm xưa và cùng sống lại một thời hoa lửa. Đến lúc chia tay mà mọi người cứ quyến luyến, bịn rịn và hẹn nhau ngày tái ngộ.  

 Bác sĩ Nguyễn Hồng Nguyên và bác sĩ Nguyễn Thị Hà Sinh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha tham gia từ thời kháng chiến chống Pháp nên cô Hà Sinh sớm giác ngộ cách mạng. Đến năm 15 tuổi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã làm giao liên mật. Dù rất ham học, nhưng trước vận mệnh của đất nước, cô không thể làm ngơ, khoảng một năm sau đó, cô thoát ly tham gia cách mạng. Tháng 5-1963 cô học lớp cứu thương phục vụ cứu chữa thương binh. Tuy bản thân không cầm súng chiến đấu, nhưng trận đánh nào cô cũng có mặt để cấp cứu cho thương binh. Cô nói, có nhiều trận đánh giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, lửa đạn bay khắp nơi nhưng chúng tôi có sá chi, chỉ mong góp sức mình chăm lo cho các chiến sĩ để anh em có sức chiến đấu đánh đuổi quân thù.

Tham gia cứu thương nhiều trận, cô Hà Sinh cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là trận đánh ở Lai Khê (Bến Cát). Lúc đó trời chập choạng tối, khi đội cứu thương chuẩn bị qua đường thì gặp đại đội biệt kích Mỹ. Phát hiện quân ta, địch nã đạn như mưa. Nhờ rừng che bộ đội, quân ta bảo toàn được lực lượng. Trận đánh ở Lộc Ninh năm 1972 cũng không thể nào quên trong ký ức của cô. Cô cùng bác sĩ Vũ Tánh (nguyên Giám đốc Sở Y tế), bác sĩ Phạm Ngọc Thái (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh) tham gia cấp cứu thương binh, kể cả người dân ở bệnh viện Lộc Tấn. Người bị thương nhiều, anh em phải cấp cứu ngày đêm, không có thời gian để nghỉ ngơi. Lúc này, tinh thần yêu nước là trên hết, như được tiếp thêm sức mạnh nên mọi người làm việc không biết mệt, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho thương binh để các anh sớm bình phục trở lại chiến trường.

Sau giải phóng, bác sĩ Hà Sinh tiếp tục công tác trong ngành y, trong đó có 17 năm làm công tác quản lý, ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giờ đây khi đã về hưu cô vẫn dõi theo hoạt động của ngành y tế. Thời gian rảnh rỗi cô đi đây, đi đó tìm hiểu điều kiện học tập của học sinh ở các nơi, nhất là quê hương cô, sau đó một mặt cô xuất tiền cá nhân đồng thời đi vận động các Mạnh Thường Quân tặng quà, học bổng cho các em vào dịp năm học mới. Cô cũng quan tâm đến những người nghèo khó để có hướng vận động giúp đỡ họ kịp thời.

Những chiến công thầm lặng

Bác sĩ Nguyễn Hồng Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, tham gia vào đội thiếu sinh quân của Trung đoàn 301. 16 tuổi ông làm công tác tình báo, sau đó được cấp trên cho học ngành y. Trong một trận chống càn với quân Pháp ông bị trọng thương và bị giặc bắt. Khoảng 2 năm sau được thả về, không lâu sau ông lên đường tập kết ra Bắc và tiếp tục được học cao hơn. Năm 1963 ông trở về miền Nam, được phân công về lại chiến khu Đ. Ông tâm sự, với bộn bề công việc của chiến tranh, không ai nghĩ đến chuyện riêng tư, mọi người sống với nhau như những gia đình lớn, đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, thương yêu nhau trên tình đồng chí, đồng đội, mọi người chỉ có cái chung nhất là quyết thắng quân thù.

Trong chiến dịch xuân Mậu Thân (1968), ông là đội trưởng đội phẫu thuật, đội được trang bị đầy đủ vũ khí. Nhiệm vụ của đội là có thương binh vào thì tiếp nhận giải phẫu, có giặc vào là đánh. Năm 1969 ông tiếp tục học bác sĩ, khi hoàn thành chương trình lại trở về chiến trường. Chuyên môn được nâng cao, đồng chí đồng đội của ông càng có cơ hội được cứu chữa tốt hơn. Ông kể, đội làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn, do nơi đội trú đóng cách căn cứ của địch không xa. Cái chết trong gang tấc, vậy mà không ai sờn lòng, bởi ai cũng có cùng suy nghĩ: “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để không bị lộ, ban ngày toàn bộ rút xuống hầm bí mật, đêm tiếp nhận giải phẫu thương binh từ các chiến trường đưa về, phẫu thuật xong đưa xuống hầm bí mật chăm sóc.

Trong suốt những năm tháng tham gia chăm sóc thương binh ở chiến trường, ông nhớ nhất là ca phẫu thuật đoạn 1/3 chân cho một anh bộ đội chuẩn bị được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong điều kiện thiếu nhân lực, thuốc men, phương tiện, nhưng bằng sự dũng cảm và tài năng của mình, bác sĩ Nguyên đã giành lại sự sống cho đồng đội. Chiến công thầm lặng của các chiến sĩ quân y là vậy đó.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông tiếp tục công tác trong ngành y. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, công việc của hội là tổ chức mạng lưới chữ thập đỏ ở địa phương. Những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, ông cùng một số đồng chí trong ngành y tế lại súng ống lên đường. Với kinh nghiệm thời chống Mỹ, ông thành lập đội cấp cứu dã chiến cứu chữa những người bị Pôn Pốt tàn sát. Một lần nữa, ông trở lại công việc giải phẫu ngoại khoa. Có hàng trăm thương binh được cứu sống từ đội cấp cứu chữ thập đỏ tỉnh. Và trong thời gian làm Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, ông đã chỉ đạo, xây dựng được mạng lưới chữ thập đỏ rộng khắp và làm nhiệm vụ xã hội nhân đạo, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.

• A.SÁNG - H.THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=257
Quay lên trên