Bảo đảm trật tự ATGT những tháng cuối năm: Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện văn hóa giao thông

Cập nhật: 21-11-2013 | 00:00:00

 Qua tổng hợp các địa bàn xảy ra số vụ TNGT nghiêm trọng gồm Phú Giáo 20 vụ, Dầu Tiếng 15 vụ, TP.TDM 55 vụ, TX.Thuận An 45 vụ, TX.Dĩ An 33 vụ, Bến Cát 74 vụ, Tân Uyên 54 vụ. Phần lớn nguyên nhân gây ra TNGT nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện giao thông đi không đúng phần đường, làn đường; không làm chủ tốc độ; không nhường đường, không chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định; không giữ khoảng cách an toàn; chuyển hướng không bật tín hiệu; chạy ngược chiều…    Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông Ảnh: B.MINH

Nhìn chung trong 10 tháng qua, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, UBND tỉnh, Ban ATGT từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng và triển khai kế hoạch “Năm ATGT 2013”; kế hoạch những tháng cuối năm 2013; chủ động tham mưu Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm ATGT và triển khai đồng bộ đến các ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các ban ngành cũng đã quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật về ATGT, công tác tuyên truyền được coi trọng thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Việc tuần tra, kiểm soát ATGT, trật tự đô thị được duy trì thường xuyên. Các trường hợp vi phạm trật tự ATGT bị phát hiện nhiều, thể hiện sự tích cực của lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập phải giải quyết, đó là tình hình trật tự giao thông đô thị ở các địa bàn trọng điểm như KCN, công ty, xí nghiệp, trường học, chợ ven trục lộ, từng lúc, từng nơi còn phức tạp nên đa số các vụ TNGT xảy ra vào khoảng từ 18 - 24 giờ. Một số cụm dân cư, KCN tập trung xuất hiện nhiều chợ tự phát. Tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè vẫn tái diễn.Tình hình TNGT có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là số người chết tăng so với cùng kỳ năm trước 7,6% (23 người); tình trạng thanh thiếu niên tụ tập rú ga, nẹt pô, chạy xe dàn hàng ngang vào các dịp cuối tuần vẫn xảy ra. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng từng lúc, từng nơi còn chưa đồng bộ; công tác tuần tra kiểm soát tại các địa bàn giáp ranh chưa thường xuyên.

Do phương tiện giao thông và người tham gia giao thông trong tỉnh tăng nhanh, phương tiện giao thông ngoài tỉnh đi qua các tuyến đường trong tỉnh ngày càng nhiều nên tình trạng đón trả khách sai quy định, chạy sai tuyến, tranh giành khách, chạy quá tốc độ, chở hàng quá tải trong lĩnh vực vận tải vẫn còn xảy ra, chưa được xóa bỏ hoàn toàn.

Tình hình tụ tập, lạng lách đánh võng, đua xe trái phép; tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ thành nhóm, lạng lách, biểu diển vẫn còn xảy ra tại Khu công nghiệp, dịch vụ - đô thị Bình Dương, khu vực nội ô thị xã, thị trấn vào các ngày cuối tuần, ngày lễ. Ý thức người tham gia giao thông chưa được chuyển biến nhiều cùng với thói quen tùy tiện khi tham gia giao thông, dẫn đến tình trạng vi phạm, phổ biến là các hành vi chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, sử dụng rượu bia quá quy định khi điều khiển phương tiện, đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm… là nguyên nhân chính gây ra TNGT.

Mặc dù các cơ quan chức năng và các đơn vị địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm thiết lập trật tự ATGT, tuy nhiên tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Số người chết vì TNGT vẫn còn ở mức cao, TNGT nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện chủ đề của năm 2013 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT, nhất là tại các huyện, thị xã, thành phố có xu hướng gia tăng số vụ tai nạn, số người chết vì TNGT.

Các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, các tổ chức CT-XH tập trung tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, phương thức phong phú, đa dạng, sinh động (pano, áp phích, tờ rơi, triển lãm hình ảnh, tiểu phẩm, đĩa DVD, các cuộc thi tìm hiểu về trật tự ATGT…). Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các khu dân cư, đến công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp, các câu lạc bộ nhà trọ, trong các trường học, bến xe khách, các bến thủy nội địa và các khu vực công cộng. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện văn hóa giao thông, hưởng ứng “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu (2011-2020)”...

Tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện các chiến lược phát triển giao thông vận tải, giao thông đô thị; xây dựng các công trình hạ tầng giao thông tập trung, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, kết nối với TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tổ chức kết nối các phương thức vận tải giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Thực hiện kiểm tra chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trong đó tập trung vào các tuyến vận tải hành khách cố định, trên cơ sở đó vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; huy động các lực lượng tham gia hướng dẫn, điều hòa giao thông trong giờ cao điểm… Tổ chức kiểm tra, tìm nguyên nhân và xử lý dứt điểm các “điểm đen” đã được xác định; kiểm tra các vị trí ùn tắc giao thông có nguy cơ tiềm ẩn về TNGT để phân làn giao thông và có giải pháp khắc phục xử lý, tập trung các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT…

 MỸ HẠNH - VIỆT KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên