NHẬT KÝ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 1975

Chiến khu Thuận An Hòa: Hậu cứ cách mạng trong các chiến dịch lớn

Cập nhật: 06-04-2015 | 07:59:27


 Ngày 6-4-1975: Bộ Chính trị ra Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định

Ngày 6-4-1975, Bộ Chính trị đã ra Quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng là Chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh; đồng chí Lê Quang Hòa, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Lê Ngọc Hiền là quyền Tham mưu trưởng; đồng chí Lê Đức Thọ tham gia Trung ương Cục và Đảng ủy Mặt trận. Trung ương Cục cũng phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn; đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục chỉ đạo việc tiếp quản thành phố sau khi được giải phóng.

 Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh), tháng 4-1975 Ảnh: T.LIỆU

V.H (tổng hợp)

 

Thuận An Hòa là căn cứ của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; là căn cứ của cơ quan lãnh đạo, của lực lượng vũ trang huyện Lái Thiêu trong hai cuộc kháng chiến. Ngoài ra còn là căn cứ của nhiều cơ quan, đơn vị huyện Dĩ An, Thủ Đức, Biên Hòa. Căn cứ Thuận An Hòa là vị trí trú quân, bàn đạp tốt nhất của các đơn vị chủ lực của tỉnh, Miền (cả pháo binh, bộ binh, đặc công) trong các trận đánh, các đợt hoạt động, các chiến dịch tiến công các mục tiêu địch trên địa bàn, trong nội ô Sài Gòn trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đặc biệt, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.

Sau chiến thắng ở Tây nguyên, Huế, Đà Nẵng, thực hiện quyết tâm của Đảng trong tình hình phát triển mau lẹ, đầu tháng 4-1975, trong khi tập trung chuẩn bị cho trọng điểm của tỉnh là giải phóng TX.Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy chỉ đạo cho cấp ủy Đảng các huyện, thị tập trung bộ đội địa phương cùng du kích xã đẩy mạnh tiến công, ép địch không cho chúng bung ra hoạt động, giữ vững và mở rộng hành lang từ nam Tân Uyên, bắc Châu Thành xuống Lái Thiêu.

Từ Chiến khu Thuận An Hòa, các lực lượng vũ trang và cơ quan lãnh đạo Huyện ủy quán triệt nhiệm vụ, triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy giao trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nắm vững thời cơ, Huyện ủy Lái Thiêu đã kịp thời chuyển căn cứ về ấp Thạnh Quý, xã An Thạnh để kịp thời chỉ đạo các xã vận động quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công quân sự để giải phóng địa phương. Huyện ủy chỉ đạo các xã thành lập Ban khởi nghĩa, phân công cán bộ, đảng viên, cơ sở mật chuẩn bị lương thực, thuốc men dự trữ, may cờ Mặt trận, làm khẩu hiệu, băng rôn, vận động gia đình, binh sĩ, kêu gọi con em sớm bỏ ngũ trở về làm ăn…

Theo kế hoạch của tỉnh, lực lượng vũ trang huyện Lái Thiêu được tăng cường đại đội đặc công của tỉnh, có nhiệm vụ trước mắt là phối hợp với du kích các xã vây ép địch không cho chúng bung ra hoạt động, giữ vững hành lang từ Bình Chuẩn qua ngã tư Hòa Lân xuống cầu Ông Bố, bảo đảm đường tiến công của bộ đội chủ lực tiến vào đánh chiếm các mục tiêu địch trong Sài Gòn. Sau đó sẽ chiếm giữ thị trấn Lái Thiêu và khu phố Búng. Huyện ủy cử 10 cán bộ, chiến sĩ thông thạo đường vào Sài Gòn làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực.

Ở khu vực Thuận An Hòa, huyện bố trí một phân đội vũ trang phối hợp với đơn vị đặc công 119 của trên tăng cường và du kích xã Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Thạnh vừa làm nhiệm vụ đánh diệt bọn bung ra phá rừng, vừa vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở, hỗ trợ quần chúng đấu tranh với địch bung về xóm cũ sản xuất, đóng góp lương thực, thực phẩm cho cách mạng, giữ vững khu Thuận An Hòa, giữ vững căn cứ bàn đạp sát nách Sài Gòn.

Căn cứ Thuận An Hòa được xây dựng bắt đầu từ một khu vực có địa hình, địa thế thuận lợi và khả năng tự cung cấp về kinh tế, có lòng dân được giác ngộ tốt… Đó là làng Bình Thuận, xã Thuận Giao; làng Tuy An, xã An Phú và làng Bình Đức, xã Bình Hòa, rồi phát triển rộng trên khắp địa bàn ba xã Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa (Thuận An Hòa). Không gian Chiến khu Thuận An Hòa không chỉ là sự bó hẹp trong phạm vi ba xã Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa, mà gắn liền mở rộng trong địa bàn các xã Tân Hiệp, Bình Chuẩn, hình thành thế liên hoàn giữa Chiến khu Thuận An Hòa tới căn cứ các xã phụ cận. Ngay cả khi Chiến khu Thuận An Hòa không còn rừng, khu Thuận An Hòa vẫn là căn cứ đứng chân của những cán bộ, đảng viên, du kích nằm hầm bí mật ở giữa lòng dân, nhờ dân che chở nuôi dưỡng để rồi vươn mình lớn lên, nâng bước chân cho những binh đoàn hùng mạnh tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam trong ngày 30-4-1975. (Còn tiếp)

 HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên