Bình Dương 40 năm - sự đổi thay diệu kỳ

Những kỳ tích của vùng đất lửa – kỳ 1

Cập nhật: 28-03-2015 | 08:16:52

Những kỳ tích của vùng đất lửa – kỳ 1

Kỳ 1: Nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh

Ngay sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), dù khó khăn trăm bề nhưng Đảng bộ, quân và dân Bình Dương đã vượt qua khó khăn, chung tay khởi đầu cho một quá trình phát triển nhanh chóng.

Khắc phục hậu quả

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), có thể nói hạ tầng kinh tế của tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) hầu như không có gì. Với khát vọng vươn lên và vượt qua đói nghèo, Đảng bộ tỉnh đã động viên và lãnh đạo quân và dân bước đầu vượt qua khó khăn, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh tế… Giải pháp trong sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ là tập trung trước mắt và sản xuất cây lượng thực và cây rau màu ngắn ngày nhằm giải quyết những khó khăn cấp bách.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn (bên phải) thăm khu kinh tế mới Tân Hưng, Bình Long, Sông Bé năm 1976. Ảnh: DUY HIỀN

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù thời tiết vào năm 1975 không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng nhân dân trong tỉnh vẫn tranh thủ khai hoang, phục hóa; đẩy mạnh trồng lúa, cây lương thực, rau màu ngắn ngày và khôi phục diện tích vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, tuy còn non trẻ nhưng ngay trong những ngày đầu vừa thành lập, Ty Thương nghiệp, Nông lâm của tỉnh đã kịp thời cung cấp hàng chục ngàn lít xăng dầu, hàng trăm tấn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Với ngành chăn nuôi thì tập trung khôi phục đàn trâu bò, kết hợp chăn nuôi gia đình với các trại heo, gà tập trung ở Dĩ An, Lái Thiêu, khắc phục kịp thời giống, thức ăn và phòng ngừa dịch bệnh để phát triển chăn nuôi.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp vốn là thế mạnh của tỉnh như gốm sứ, sơn mài, chạm khắc gỗ, làm đường thủ công… Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, bước đầu một số xí nghiệp quốc doanh như Sơn mài Thành Lễ, Cơ khí 30-4, Cao su Phước Hòa, Gốm sứ Thanh Vĩnh, Cao su Dầu Tiếng… đã ra đời. Phát huy tinh thần công nhân làm chủ, người lao động tại các đơn vị này đã phấn khởi góp sức giải quyết những khó khăn chung nhằm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất. Tại Nông trường Cao su Phước Hòa, công nhân cạo mủ đưa năng suất từ 20 lít lên 25 lít mủ/ ngày; công nhân sơn mài quốc doanh Thành Lễ tăng năng suất 5 - 10%; công nhân Xí nghiệp cơ khí 30-4 sửa chữa và phục hồi hàng trăm xe vận tải bảo đảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa…

Để đưa tiểu thủ công nghiệp phát triển, Tỉnh ủy đã chủ trương khuyến khích các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tư nhân, nhất là những nghề truyền thống lâu đời như gốm sứ, sơn mài… nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng lượng hàng hóa cho thị trường. Nhờ vậy, hơn 450 cơ sở sản xuất lò gạch, lò gốm, lò đường… tại tỉnh đã khôi phục sản xuất; qua đó cung cấp số lượng hàng hóa nhất định phục vụ đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ngoài ra, sau giải phóng, ngành thương nghiệp của tỉnh đã tổ chức mạng lưới thương nghiệp quốc doanh từ tỉnh tới huyện và hệ thống cửa hàng mua bán thu mua, luân chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Tháng 2-1976, tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước được sáp nhập thành tỉnh Sông Bé. Tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, Đảng bộ, quân và nhân dân Sông Bé chung sức, chung lòng tập trung vào nhiệm vụ cải tạo và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều biện pháp được bàn và triển khai. Vấn đề khai hoang, phục hóa, đẩy nhanh sản xuất lương thực là nhiệm vụ cấp bách trước mắt lúc bấy giờ được tập trung thực hiện. Nhiều phong trào thi đua, động viên mọi lực lượng tham gia lao động sản xuất lúa, cây lương thực, hoa màu nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân được các cấp phát động.

Phong trào làm thủy lợi cũng phát triển mạnh mẽ. Trong những mùa vụ năm 1976, khí thế sản xuất nông nghiệp tại các địa phương phát triển sôi nổi, hàng chục công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp trên địa bàn được xây dựng hoàn thành. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp phát triển tốt, giá trị tổng sản lượng tăng gấp 3 lần so với khi mới giải phóng. Đồng thời, các ngành nghề với trên 1.000 cơ sở được phục hồi, nhất là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như gốm sứ, sơn mài phát triển khá. Trong thời gian này, mạng lưới thương nghiệp quốc doanh đã phát triển xuống xã, kể cả một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình thị trường về giá cả bước đầu đi vào nề nếp, những mặt hàng thiết yếu đã đưa xuống kịp thời cho nhân dân, phục vụ cho đời sống và sản xuất, hạn chế nạn đầu cơ tích trữ…

Có thể nói, trong 2 năm 1975 và 1976, với sự phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, kinh tế của Sông Bé (Bình Dương) bước đầu chuyển biến tích cực. Ở nhiều nơi, cùng với kinh tế nông nghiệp phát triển, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đang dần chuyển biến mạnh mẽ. Với tiền đề quan trọng đó, Đảng bộ, quân và dân Sông Bé (Bình Dương) tự tin hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất vào tháng cuối năm 1976 đề ra. (Còn tiếp)

TRỌNG MINH (Theo nguồn tài liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương 1975-2010)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên