Ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Cập nhật: 28-10-2019 | 08:06:27

 Đó là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh thể hiện rõ trong Kế hoạch 5162/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, có kế hoạch hành động vì nhân dân phục vụ.

 Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, từng CBCCVC bộ phận “một cửa” phải chung tay góp sức tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Trong ảnh: Cán bộ “một cửa” UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một tận tình hướng dẫn người dân điền biểu mẫu TTHC

 Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có tư tưởng xin - cho, vẫn còn hành dân, nhũng nhiễu, hạch sách, tiêu cực khi giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Nhiều cán bộ đã nghỉ hưu tâm sự với chúng tôi: “Khi về hưu, chúng tôi thực hiện một vài thủ tục từ cơ sở mới thấy toàn diện nền hành chính của mình phải tiếp tục cải tiến nhiều hơn, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế, làm thủ tục hộ khẩu, chứng minh nhân dân…”. Nhiều cán bộ hưu trí nhận định, tinh thần, thái độ làm việc của đại bộ phận CBCCVC có nhiều cố gắng, trách nhiệm, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc lơ là, bê trễ trong công việc; tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, người dân chờ đợi vẫn còn rất nhiều.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4- 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Trong kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Kế hoạch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát TTHC theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần. Đồng thời xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để CBCCVC thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. Cùng với đó, phải chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát CBCCVC trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Các giải pháp của kế hoạch đưa ra là nâng cao chất lượng công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có); công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử (nếu có) và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó là nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống. Cụ thể, đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Song song đó, chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn, góp phần tiến tới xây dựng chính quyền Bình Dương theo phương châm: Kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ.

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên