Nông nghiệp Dầu Tiếng: Cần trợ lực để phát triển xứng tầm

Cập nhật: 16-05-2014 | 00:00:00

 Hiệu quả thiết thực

Dầu Tiếng được xác định là huyện NN, chủ yếu sản xuất trên một số lĩnh vực như trồng trọt (lúa, cây cao su), chăn nuôi và thủy sản. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm ở Dầu Tiếng là 3.577 ha, trong đó diện tích cây lúa trên 1.150 ha, nấm ăn và nấm dược liệu 1,63 ha (quy mô trồng trên 1,5 triệu phôi/năm), hoa lan 2,621 ha. Tổng diện tích cây trồng lâu năm trên 48.000 ha, trong đó diện tích cây cao su 46.956 ha (cao su tiểu điền chiếm diện tích 21.940 ha), cây ăn trái 161,05 ha, hồ tiêu 23 ha và cây điều trên 70 ha.

   Lãnh đạo ngành nông nghiệp tham quan vườn hoa lan lớn nhất tỉnh, có diện tích hơn 5 ha tại ấp Hòa Lộc, Minh Hòa, Dầu Tiếng Ảnh: B.ANH

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế Dầu Tiếng, 2 năm qua, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) tiên tiến vào lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất NN ở Dầu Tiếng tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,2%. Chăn nuôi heo, gà, thủy sản phát triển theo hướng trang trại, ngành trồng trọt phát triển theo hướng NN kỹ thuật cao, NN đô thị. Tổng giá trị sản phẩm NN của huyện năm 2013 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ đồng so với năm 2010.

Đặc biệt, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất cây măng cụt” được triển khai trên 2 vườn tại hộ ông Bùi Văn Mấn (ấp Bến Tranh, xã Thanh An) và hộ bà Nguyễn Thị Xinh (ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền) với diện tích mỗi vườn là 5.000m2, đã đạt hiệu quả bước đầu khá cao. Nông dân đã cơ bản nắm được quy trình chăm sóc, thu hoạch theo kỹ thuật tiên tiến. Từ hiệu quả khả quan này, huyện Dầu Tiếng đang triển khai đầu tư phát triển cây măng cụt xã Thanh Tuyền với diện tích 15 ha, từng bước hình thành và phát triển vùng cây ăn quả đặc sản của địa phương.

Ngoài dự án măng cụt, dự án thâm canh lúa theo hướng “1 phải 5 giảm”, cụ thể là phải dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón tại xã Thanh Tuyền và Thanh An được nông dân hoan nghênh. Diện tích lúa của dự án đạt năng suất từ 4,5 - 5,0 tấn/ ha. Thực hiện thí điểm chương trình VietGap 10 ha, năng suất đạt 5,2 tấn/ha, hộ cá biệt đạt năng suất cao nhất 5,4 tấn/ha (năng suất bình quân lúa địa phương 4 tấn/ha).

Các dự án ứng dụng KHKT trên cây cao su, trồng nấm quy mô gia đình, hoa lan… cũng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, các hộ trồng nấm đã tạo được từ 30.000- 44.000 phôi/năm, với năng suất cao (đạt từ 0,27 - 0,3kg/phôi) bán ra thị trường, có thu nhập khá. Dự án thí điểm mô hình hoa lan trên diện tích 3 ha/hộ (có hộ chuyên canh vườn hoa lan với diện tích đến khoảng 5 ha tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa) đạt hiệu quả rất cao. Nhìn chung, các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân, một số hộ tự đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn huyện có 6 HTX, 120 trang trại. Với quy mô đàn gia súc, gia cầm gồm trâu 1.677 con, bò 5.400 con, heo 47.000 con, gia cầm 2.460.500 con (trong đó nuôi gia công 2.000.000 con). Diện tích nuôi trồng thủy sản 22,5 ha, tổng sản lượng 280 tấn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 61,78 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,03% trong tổng giá trị sản xuất NN của huyện.

Nâng suất đầu tư tập trung

Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho biết: “Cần sớm phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Minh Hòa, Thanh Tuyền và Long Hòa đạt theo tiêu chí đô thị loại V theo hướng văn minh, hiện đại. Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để có cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển NN đô thị, NN kỹ thuật cao phù hợp hơn.

Ông Lực cho biết thêm, việc xác định quy mô và phương thức hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn thời gian qua còn mang tính bình quân, dàn trải, manh mún, tăng chi phí quản lý và không tạo được mô hình quy mô lớn. Huyện Dầu Tiếng kiến nghị ngành chức năng cần có cơ chế chính sách mới quy định quy mô và mức hỗ trợ các mô hình có quy mô lớn nhằm tạo sự bứt phá trong sản xuất, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và các dự án áp dụng công nghệ cao từ nguồn vốn khoa học công nghệ.

Giá trị cây cao su giảm, bà con nông dân Dầu Tiếng đang chuyển hướng sang các dự án trồng trọt chăn nuôi kỹ thuật cao, NN đô thị cũng như mô hình sản xuất quy mô lớn nên đang mong đợi các chính sách đầu tư mới.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên