Quy định về Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại

Cập nhật: 18-03-2017 | 08:58:11

Ngày 24-2-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/ NĐ-CP về hòa giải thương mại. Nghị định này áp dụng đối với hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại.

Theo nghị định này, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định. Hòa giải thương mại được tiến hành khi có tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

Sau khi xác định được tranh chấp hòa giải thương mại thì các bên có quyền lựa chọn quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp hòa giải thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có nội dung chủ yếu liên quan đến căn cứ tiến hành hòa giải; thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ việc; thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện; các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, văn bản phải có chữ ký của các bên, chữ ký của hòa giải viên thương mại, có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Thủ tục hòa giải chấm dứt khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành; khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên hoặc theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2017.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên