Cách phòng chống đuối nước ở trẻ em

Cập nhật: 04-07-2017 | 15:26:28

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em (TE), trong đó, nguyên nhân phổ biến là do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Vấn đề sống sót dưới nước không chỉ cần mỗi kỹ năng bơi, mà cần trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng, chống đuối nước khác.

Đông đảo phụ huynh và các em nhỏ đến tập bơi ở hồ bơi Công viên Thanh Lễ (TP.Thủ Dầu Một)

Đuối nước gây tử vong nhiều nhất

Thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE năm 2004 và Quyết định số 234/ QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích TE giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương quan tâm triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích TE nói chung và phòng, chống tai nạn đuối nước TE nói riêng. Đến nay, tỷ lệ TE tử vong do tai nạn thương tích, trong đó tử vong do tai nạn đuối nước đã giảm so với năm 2010, nhưng vẫn ở mức cao. Đuối nước vẫn là tai nạn gây tử vong nhiều nhất cho TE tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm có hàng ngàn TE tử vong do bị đuối nước, đặc biệt xảy ra nhiều vào thời gian mùa hè và mùa mưa bão, mùa nước nổi…

 Ở Bình Dương, trong 6 tháng năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước, làm tử vong 12 em, đây là một con số đáng báo động cho các cấp, các ngành, cho gia đình và toàn xã hội. Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích TE tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đã đặt ra mục tiêu là giảm tỷ suất TE bị tai nạn đuối nước tối thiểu 6% số TE bị tử vong do đuối nước so với năm 2015, ít nhất 40% TE trong độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, 100% TE sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy, 100% các huyện, thị, thành phố triển khai dạy bơi an toàn cho TE.

Các biện pháp phòng tránh đuối nước

 Một chuyên gia bơi lội cho biết, để phòng tránh đuối nước ở trẻ nhỏ vào mùa hè, các bậc cha mẹ, thầy cô cần có những biện pháp: Bảo đảm sức khỏe con em mình có thể tham gia hoạt động bơi lội. Nhiều bậc phụ huynh không biết rằng, không phải TE nào cũng có thể học bơi. Ví dụ như những em nhỏ mắc các bệnh hen phế quản; bệnh đường hô hấp mạn tính: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng… không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi. Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý nên cho trẻ đi khám bác sĩ để quyết định trẻ có thể tham gia bơi lội không.

Bên cạnh đó, để phòng đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi. Các bậc cha mẹ cần trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi cho các em nhỏ như: Cần phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi... Theo ông Nguyễn Thanh Hậu, cán bộ Phòng Bảo vệ chăm sóc TE và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích cho các bậc phụ huynh, các em học sinh trong các buổi sinh hoạt chào cờ, họp phụ huynh, sinh hoạt lớp, phối hợp đưa nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình giảng dạy ngoại khóa của cấp tiểu học, THCS; tổ chức các lớp đào tạo tập huấn sơ cấp cứu cho các cộng tác viên, giáo viên, học sinh trong nhà trường…

HUỲNH THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=662
Quay lên trên