Cần giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh và thanh thiếu niên trong trường học

Cập nhật: 15-06-2012 | 00:00:00

Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: “Giáo dục nước ta còn chạy theo các môn khoa học, chưa chú trọng việc giáo dục phẩm chất đạo đức của học sinh, dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng về đạo đức của học sinh ngày nay (tình trạng trẻ em tuổi vị thành niên phạm tội hình sự ngày càng gia tăng, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra rất phức tạp). Cử tri kiến nghị Nhà nước cần quan tâm vấn đề này, tăng cường việc giảng dạy, rèn luyện về nhân cách, đạo đức, văn hóa ứng xử cho thanh thiếu niên, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người thầy giáo, môi trường học tập trong nhà trường để có những tác động trực quan tích cực nhằm tăng cường nhận thức đạo đức của các em học sinh” .

Vấn đề này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản trả lời như sau:

I- Về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa truyền thống dân tộc cho học sinh, sinh viên, cụ thể là:

1. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học chính khóa

Bộ GD-ĐT đã triển khai việc đánh giá nội dung, chương trình và hướng dẫn các nhà trường đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học; đạo đức, giáo dục công dân và môn pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” và triển khai thực hiện từ năm 2010. Một trong các nội dung cơ bản của đề án là rà soát nội dung, chương trình, hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy các môn pháp luật trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.

Từ học kỳ II năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT triển khai việc tích hợp giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nhà trường từ cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông đến các trường trung cấp chuyên nghiệp (đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã học thông qua giáo trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh). Mục đích là giáo dục về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua những bài học, những mẩu chuyện về cuộc đời của Bác là những nội dung gần gũi, học sinh dễ tiếp thu, tạo nên sự gắn bó nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống.

Nhằm nâng cao vai trò của môn học Giáo dục công dân trong việc giáo dục đạo đức học sinh, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12-12-2011 về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó quy định: đưa kết quả nhận xét các biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với môn học Giáo dục công dân là một trong các căn cứ để xếp loại hạnh kiểm của học sinh sau mỗi học kỳ và cả năm học. (Còn tiếp)

Văn phòng đoàn ĐBQH - HĐND Tỉnh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên