Cần mạnh tay xử lý tình trạng phân bón giả

Cập nhật: 07-01-2016 | 09:16:07

Trong số báo ra ngày 6-1, Báo Bình Dương có bài viết phản ánh về việc cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất phân bón giả và hệ lụy của tình trạng này. Ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được phản hồi của đại diện các cơ quan chức năng cũng như người dân xung quanh vấn đề này.

* Ông NGUYỄN VĂN BÁN, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh:

Cần xử lý kiên quyết đối với hành vi sản xuất, mua bán phân bón giả

Sản xuất phân bón giả, theo tôi là hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh, xem thường pháp luật cần phải lên án. Tôi có theo dõi thông tin và biết ở TX.Tân Uyên, cơ quan chức năng vừa kiểm tra cơ sở và tịch thu được gần 40 tấn phân bón giả. Người nông dân đã khó khăn, vất vả đủ thứ, lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp lại không được bao nhiêu. Họ cần một loại phân bón tốt vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vì vậy, khi thấy một nhãn hiệu phân bón có thương hiệu của một công ty sản xuất uy tín, họ thường tin tưởng mua mà không nghĩ tới việc loại phân bón mà mình mua có bị làm giả hay không. Thực tế nếu mua phải phân bón giả, họ sẽ tổn thất rất nhiều về mặt kinh tế và thời gian. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. Cùng với việc sản xuất phân bón giả nói riêng, các vụ việc sản xuất giả các mặt hàng tiêu dùng nói chung cũng cần phải được đưa ra xử lý hình sự.

Theo tôi được biết, không chỉ ở Bình Dương mà trên cả nước, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại rất nhiều trên thị trường. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường thanh, kiểm tra thường xuyên, toàn diện hơn.

Trường hợp người tiêu dùng mua phải phân bón giả hoặc nghi ngờ phân bón giả, cần phải kịp thời báo với các cơ quan chức năng như Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Bảo vệ thực vật, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Nông dân các cấp để cơ quan có thẩm quyền kịp thời kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, từ đó đưa ra kết luận chính xác và xử lý. Về vấn đề này, các cơ quan thông tấn báo chí cũng cần tuyên truyền rộng rãi, cập nhật thông tin cũng như có những bài viết lên án mạnh mẽ những hành vi gian lận, giả mạo trong kinh doanh để người dân kịp thời nắm thông tin và cảnh giác khi mua sản phẩm.

* Ông BÙI VĂN QUEN, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phú Giáo:

Tập huấn để người dân nhận biết phân bón giả

Trước đây, HND huyện từng nhận được phản ánh của một số hội viên cho biết mua phải phân NPK giả nên khi bón cho cây, phân không tan mà tồn tại dưới dạng viên nhỏ như cát, sỏi. Nếu bón phải phân này với số lượng nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Nếu người dân mua phải phân bón giả thì nên thông báo đến HND và Trạm Bảo vệ thực vật để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của HND cấp trên và nhằm giải đáp, tư vấn những thắc mắc của hội viên trong việc sử dụng cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào quá trình sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu năm, HND huyện Phú Giáo đã triển khai hướng dẫn các cơ sở hội xây dựng các tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân.

Qua đó, HND đã xây dựng được 12 tổ tư vấn với 43 thành viên. Trong năm, tổ tư vấn thường xuyên tổ chức tư vấn hướng dẫn cho hội viên nông dân về cách chọn cây trồng, con giống và đặc biệt là cách nhận biết phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thật - giả. Bên cạnh đó, HND cũng có nhiều giải pháp để nâng cao hiểu biết, cách thức sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân tại địa phương như tổ chức hội thảo khoa học, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, phát tờ rơi, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả,… Trong năm 2015, HND đã tổ chức được 76 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho gần 5.000 lượt nông dân tham dự, phối hợp với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức 54 hội thảo khoa học với hơn 3.400 lượt người tham gia.

* Ông NGUYỄN TẤN TOÀN, Thanh tra chuyên ngành Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh:

Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra

Nhìn chung, các loại phân bón đang lưu thông trên thị trường hiện nay rất khó phân biệt được đâu là phân bón thật hay phân bón giả. Chúng tôi cũng khó xác định mức chất lượng các loại phân bón bằng cảm quan thông thường mà phải dựa vào các yếu tố sau:

- Để đánh giá chất lượng phân bón phải dựa trên kết quả phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong phân bón từ các trung tâm phân tích được chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Để quản lý chất lượng sản phẩm phân bón trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn, các loại phân bón đều phải công bố hợp quy tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Kiểm tra việc thực hiện hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy về phân bón theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (tại điểm c, khoản 1, Điều 5 của Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27-11-2013 của Chính phủ về Quản lý phân bón).

Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh và lấy 11 mẫu phân bón gửi phân tích chất lượng. Kết quả 10 mẫu đạt chất lượng, 1 mẫu không đạt chất lượng. Đoàn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 8,6 triệu đồng. Chúng tôi cũng chưa nhận được sự phản ánh nào của người dân về việc sử dụng phân bón hữu cơ giả.

Ở góc độ là ngành chức năng, Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phân bón hữu cơ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cán bộ xã, phường, hội viên hội nông dân và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón hữu cơ, đồng thời lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm phân bón hữu cơ tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.

Ngoài ra, Chi cục Bảo vệ thực vật còn kiểm tra đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ trên địa bàn và lấy mẫu phân bón tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gửi phân tích chất lượng sản phẩm theo Thông tư 45/2014/ TT-BNNPTNT ngày 3-12-2014 Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp,…

* Ông NGUYỄN VĂN THẨM, Chủ tịch HND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo:

Nên chọn mua phân bón tại các đại lý có uy tín và đừng tham giá rẻ...

Thường thì giá phân bón giả các loại như NPK, Kcl, Urê, KNS,… sẽ có giá rẻ “bất thường” so với giá thị trường. Vì vậy, để tránh trường hợp mua phải phân kém chất lượng, người dân nên chọn mua phân bón tại các đại lý có uy tín và đừng vì giá rẻ mà bỏ qua việc kiểm tra chất lượng. Ngoài việc sử dụng phân vô cơ, nông dân cũng nên sử dụng xen kẽ phân vi sinh. Về tác dụng, sau khi sử dụng phân vô cơ sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng nhưng hiệu quả không kéo dài được lâu và khi sử dụng nhiều sẽ làm đất bị phèn hóa, ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây. Phân vi sinh khi bón sẽ không thấy tác dụng ngay mà phải kiên trì bón thêm từ 2 - 3 năm mới thấy hiệu quả mà không gây hại cho cây và đất.

Cách nhận biết phân bón giả

Theo kinh nghiệm của một số nông dân, khi đi mua phân bón nên mang theo một ly nước để phân biệt phân giả. Để phân biệt phân Urê giả, đầu tiên người dân nên tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của bao phân. Phân Urê trên thị trường hiện nay có hai loại là dạng hạt tròn, màu trắng trong và loại hạt to, màu trắng đục. Đối với loại hạt tròn, màu trắng trong thường bị làm giả bằng cách trộn với phân SA. Để phân biệt, người dân chỉ cần nhìn vào hạt phân nếu thấy nhiều hạt phân có nhiều góc cạnh thì đó là phân Urê kém chất lượng. Còn loại hạt to, màu trắng đục rất khó làm giả nên người dân có thể yên tâm mua sử dụng.

Đối với phân Kali Clorua (màu đỏ), người dân lấy một ít phân (khoảng 2 thìa cà phê) bỏ vào ly nước trong. Nếu vừa bỏ phân vào ly nước mà phân đã tan, nước chuyển ngay sang màu hồng nhạt, dưới đáy ly có nhiều hạt giống sỏi, cát thì chính là phân giả. Ngược lại, phân Kali Clorua thật khi bỏ vào ly, nước sẽ không chuyển màu liền. Sau khi khuấy mạnh phân mới tan, nước dần chuyển sang màu hồng nhạt, có lớp váng đỏ bám trên thành ly và phân tan hết. Còn đối với phân Kali Sunfat (màu trắng), người dân cũng bỏ ít phân vào ly nước trong, nếu phân tan hết và nước không đổi màu thì là phân thật, còn nếu nước chuyển sang đục thì là phân giả .

NGUYỄN HẬU

 

TÂM TRANG(thực hiện) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên