Giữ gìn sự bình yên ở địa bàn giáp ranh – Bài cuối

Cập nhật: 23-06-2023 | 08:44:04

Bài cuối: Đồng bào DTTS tham gia phòng, chống tội phạm ở cơ sở

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều chính sách ưu tiên dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt qua công tác tuyên truyền, đồng bào DTTS không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ), gắn với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại nơi cư trú.


Công an xã An Bình, huyện Phú Giáo cùng thành viên trong Đội xung kích phòng, chống tội phạm người Khmer gặp gỡ người đồng bào Khmer để trao đổi về tình hình ở địa bàn

“Hiệp sĩ”… làng Chăm

Mặt trời dần khuất, khí trời ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng dịu mát từ những cơn gió mang theo hơi nước của mặt hồ Dầu Tiếng thổi vào. Thấp thoáng trên con đường bê tông dẫn vào khu dân cư nơi người đồng bào Chăm sinh sống là hình ảnh các “hiệp sĩ” làng Chăm đang phối hợp với Công an (CA) xã Minh Hòa tuần tra bảo vệ bình yên xóm làng.

Trao đổi với P.V, “hiệp sĩ” Ab Dol Azit, Tổ trưởng Tổ xung kích phòng, chống tội phạm (Tổ XKPCTP) làng Chăm, cho biết ấp Hòa Lộc cách trung tâm xã Minh Hòa khoảng 12km. Bà con người Chăm sinh sống tại đây có phong tục tập quán riêng, sinh hoạt tôn giáo theo đạo Hồi, tập trung tại Thánh đường Hồi giáo Muttaquin làng Chăm. Ấp Hòa Lộc có 120 hộ dân, trên 442 nhân khẩu là đồng bào người Chăm.

Nhằm chủ động nắm tình hình địa bàn, năm 2015, chính quyền xã Minh Hòa đã thành lập Tổ XKPCTP làng Chăm. Lúc mới thành lập chỉ có 6 người tham gia, đến nay đã có 9 thành viên chính thức. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, các “hiệp sĩ” làng Chăm đã lập được nhiều thành tích, góp phần giữ vững an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.

Theo “hiệp sĩ” Ab Dol Azit, các thành viên trong Tổ XKPCTP làng Chăm sống bằng nghề nông, đều có công việc ổn định. Khi trên địa bàn ấp có sự việc đột xuất, các “hiệp sĩ” nhanh chóng tập hợp, triển khai nắm tình hình, theo dõi và thông báo cho lực lượng CA xã để cùng phối hợp xử lý. Các “hiệp sĩ” làng Chăm thường xuyên phối hợp với CA xã tổ chức tuần tra, tuyên truyền pháp luật đến với người đồng bào Chăm sinh sống tại đây.

Đại úy Nguyễn Văn Thực, Trưởng CA xã Minh Hòa, cho biết sau 8 năm đi vào hoạt động, mô hình này đã giúp CA xã làm tốt công tác giữ gìn ANTT trong làng Chăm nói riêng và địa bàn xã Minh Hòa nói chung. Các “hiệp sĩ” đã phát hiện, cung cấp cho lực lượng CA nhiều thông tin về tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. CA địa phương cũng phối hợp với cán bộ tư pháp xã và các ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các thành viên của tổ.

Trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có trên 3.000 người DTTS, trong đó phần lớn là đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở xã An Bình. Theo Thượng tá Bồ Văn Cúc, Trưởng CA huyện Phú Giáo, đểgóp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, CA huyện tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thểtập huấn, bồi dưỡng các mô hình tự quản trong đồng bào DTTS nhằm bảo vệ khu, ấp an toàn về ANTT. Đến nay, các xã, thịtrấn đã thành lập được các mô hình như Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, Đội XKPCTP người Khmer tại xã An Bình… Các mô hình trên đã đi vào hoạt động ổn định và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần bảo đảm ANTT trong vùng đồng bào DTTS.

“Cầu nối” giữa đồng bào Khmer với chính quyền

Rời làng Chăm Hòa Lộc, chúng tôi đến ấp Tân Thịnh, xã An Bình (huyện Phú Giáo) vào một ngày đầy nắng giữa tháng 6. Những con đường dẫn vào vùng đồng bào Khmer đã được bê tông hóa, với nhiều căn nhà khang trang, khiến chúng tôi phải trầm trồ trước sự đổi thay này. Cách đây hơn 50 năm, người đồng bào Khmer đã di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Bình Phước ngày nay đến đây để làm nơi an cư, lập nghiệp. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của người đồng bào Khmer ở vùng đất An Bình ngày một khá giả, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên mặt trái của sự phát triển kinh tế là số lượng con cháu đồng bào Khmer vi phạm pháp luật, vướng vào tệ nạn xã hội, ma túy có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến các phong tục, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Khmer và ANTT tại địa phương.

Xuất phát từ thực tế trên, CA huyện Phú Giáo đã tham mưu UBND huyện thành lập mô hình Đội xung kích phòng, chống tội phạm (Đội XKPCTP) người Khmer tại ấp Tân Thịnh và ấp Nước Vàng, xã An Bình. Thành viên tham gia đội là những người có uy tín, có trình độ và nhận thức pháp luật, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer, được nhân dân tín nhiệm và đề cử.

Ông Ngưu Bư, Đội phó Đội XKPCTP người Khmer, chia sẻ: “Cùng là người Khmer, chúng tôi hiểu được đồng bào cần nắm rõ những thông tin, chính sách, pháp luật nào để có cách tuyên truyền phù hợp, dễ hiểu. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lưu động tại địa phương và thu hút đông đảo người dân tham gia. Nội dung các buổi tuyên truyền tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống của người DTTS. Trong đó chú trọng giữ gìn, phát huy nếp sống, phong tục tốt đẹp của người Khmer. Qua các buổi tuyên truyền giúp cộng đồng người Khmer ở xã An Bình nâng cao hiểu biết pháp luật, từng bước thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương”.

Cùng với hoạt động tuyên truyền pháp luật, Đội XKPCTP người Khmer còn tích cực phối hợp với tổ hòa giải cơ sở làm “cầu nối” hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ người dân, góp phần gìn giữ tình làng nghĩa xóm trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Phong, Trưởng CA xã An Bình, cho biết sau quá trình hoạt động tích cực đến nay, Đội XKPCTP người Khmer đã và đang trở thành “cầu nối” giữa đồng bào Khmer với chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Không những thế, lực lượng này còn cung cấp cho CA địa phương nhiều thông tin có giá trị; tham gia phối hợp giúp đỡ, cảm hóa nhiều thanh niên dân tộc Khmer “chậm tiến” sớm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, Đội XKPCTP người Khmer đã cung cấp 15 tin báo về ANTT, giúp CA xã xác minh, làm rõ nhiều vụ việc.


“Hiệp sĩ” làng Chăm cấp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân tại Thánh đường Hồi giáo Muttaquin làng Chăm

Từ khi thành lập đến nay, Tổ XKPCTP làng Chăm đã phối hợp với lực lượng CA phát hiện, xử lý 34 vụ, bắt giữ 54 đối tượng có hành vi đánh bạc, trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích, trốn truy nã. Trong 8 năm qua, nhiều cá nhân và tập thể Tổ XKPCTP làng Chăm đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

Theo đại úy Nguyễn Văn Thực, Trưởng CA xã Minh Hòa, qua thực tế hoạt động của mô hình này đã xuất hiện nhiều cá nhân tích cực tham gia phong trào TDBVANTQ ở địa phương, như: Sa Liên, Châu Văn Solek, Maham Mach Aly CamXar và Ab Dol Azit. Đáng chú ý, sau 8 năm cùng tham gia, mới đây, “hiệp sĩ” Sa Liêm đã được CA xã Minh Hòa tuyển chọn vào Đội dân phòng xã Minh Hòa.

 NGUYỄN HẬU - THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên