Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 04-05-2017 | 18:29:35

Sau 5 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2010-2015, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, số lao động được hỗ trợ học nghề vẫn còn ít so với kế hoạch đề ra. Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT thời gian tới, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh về vấn đề này.

- Thưa ông, những kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh Bình Dương trong 5 năm vừa qua (2010-2015) đạt được như thế nào?

- Công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh theo đề án đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành và từng địa phương. Theo đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn tạo mọi điều kiện để người lao động có thể tham gia học nghề để có việc làm nhằm góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội. Việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

Trong giai đoạn 2010-2015, việc triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh đạt được kết quả tốt. Cụ thể, toàn tỉnh có tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách đề án là 10.155 người (so sánh với kế hoạch giai đoạn 2010-2015 là 10.155 người/11.510 người (đạt tỉ lệ: 88,2%); trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp có 8.477 người/6.590 người (đạt tỉ lệ 128,6%); lĩnh vực nông nghiệp 1.675 người/4.920 người (đạt tỉ lệ 34,0%). Tỉ lệ người lao động sau khi học nghề có việc làm trên 80%. Một số nghề nổi bật có số người đăng ký tham gia học chiếm tỉ lệ cao như: Nấu ăn đãi tiệc; lái xe nâng hàng; Trồng và nhân giống nấm, trồng hoa lan, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh.

- Mặc dù đã nỗ lực thực hiện và đạt một số kết quả nhưng số lao động được đào tạo nghề LĐNT ở tỉnh vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục nhanh chóng. Trong đó, việc triển khai công tác đào tạo nghề vẫn còn chậm, đạt kết quả thấp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp; Ban chỉ đạo đề án cấp huyện, thị, thành phố vẫn chưa thống kê được số người học xong có việc làm, hay đã thoát nghèo, số hộ gia đình đã trở thành hộ khá; đa số cán bộ phụ trách công tác dạy nghề của huyện, thị, thành phố còn kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa thật sự chủ động, tích cực để đáp ứng tốt việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu của đề án.

Ngoài ra, các trang thiết bị đã được đầu tư từ nguồn vốn Dự án “Dạy nghề cho LĐNT” vẫn chưa được sử dụng hiệu quả ở một số đơn vị; Mô hình ký cam kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia giải quyết việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho học viên tốt nghiệp sau đào tạo trước khi mở lớp chưa thực hiện được.

- Thưa ông, mục tiêu và giải pháp để triển khai có hiệu quả chính sách dạy nghề cho LĐNT trong giai đoạn tiếp theo là gì?

- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như khắc phục hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là sẽ đào tạo nghề cho 7.004 người; trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp 4.577 người, nhóm nghề nông nghiệp 2.427 người. Riêng năm 2017 sẽ đào tạo cho 1.380 người; trong đó phi nông nghiệp 880 người, nông nghiệp 500 người. Do đó, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về Đề án 1956 với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...

Tỉnh cũng sẽ huy động các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho LĐNT; tiến hành tổng hợp, đánh giá hiện trạng, tình hình hoạt động của các đơn vị được đầu tư các trang thiết bị theo Dự án “Dạy nghề cho LĐNT” nhưng chưa sử dụng hiệu quả, tham mưu UBND tỉnh có phương án điều chuyển sang các đơn vị khác có nhu cầu đào tạo, sử dụng; nghiên cứu xây dựng và phát triển mô hình đào tạo nghề LĐNT ở các làng nghề truyền thống để phát huy những lợi thế của các làng nghề này. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện đề án theo định kỳ; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tham gia thực hiện đề án.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên