Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho công nhân

Cập nhật: 14-11-2015 | 08:27:33

Công nhân lao động (CNLĐ) sẽ được tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nhờ huy động các nguồn lực tham gia, đó là mục tiêu Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ vừa được UBND tỉnh triển khai thực hiện.

Sau giờ tan xưởng, nhiều CN đi học nghề để mong muốn đổi đời (Học viên tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Đồng An)

CNLĐ tích cực học tập

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức số công nhân (CN) vừa làm, vừa học ở các trường nghề, nhưng đến các trường nghề, trung tâm dạy nghề vào buổi tối, dễ bắt gặp những học viên là CN chăm chú ngồi nghe thầy, cô giảng bài. Họ đến với lớp học sau buổi tan xưởng. Mục tiêu đặt ra của CN là nâng cao trình độ, có công ăn việc làm và mức lương cao. Chị Trịnh Thị Hường, học viên lớp kế toán cho biết, hiện chị đang làm CN Công ty TNHH Phú Xuân (TP.Thủ Dầu Một). Tranh thủ thời gian buổi tối, chị học thêm lớp trung cấp kế toán. Chị xác định: “Làm CN những lúc tăng ca, lương cũng khá cao nhưng không thể làm cả đời vì sức khỏe. Bởi vậy, bớt chút thời gian vui chơi, mình đăng ký học nghề kế toán với mong muốn xin được việc làm tốt hơn”.

Với mong muốn có được chỗ đứng trong công ty, anh Nguyễn Minh Thiện, tổ trưởng tổ kiểm hàng Công ty Kumho (KCN Mỹ Phước 3) đăng ký học thêm tiếng Hàn. Anh nói, quản lý của công ty chủ yếu là người Hàn Quốc, nên mỗi lần muốn trao đổi chuyên môn, anh phải nhờ đến phiên dịch. Trước rào cản ngôn ngữ, anh quyết định học thêm tiếng Hàn để tiện nói chuyện với quản lý, cũng như có cơ hội thăng tiến trong công việc. Từ quyết tâm đến hành động, mỗi buổi chiều sau khi tan ca, anh đến Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn tại Bình Dương để học.

Mong muốn của chị Hường, anh Thiện cũng là mong ước chung của nhiều bạn CN đang ngày đêm “dùi mài kinh sử”. Tuy nhiên, vừa đi học, vừa đi làm, họ phải chịu nhiều áp lực về thời gian, tiền bạc và sức khỏe. Bởi vậy, họ rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp (DN), hay các tổ chức để được đến trường học nghề. “Với ý chí của mình, khi ổn định cuộc sống, CN tiếp tục đi học. Thế nhưng, lương CN không nhiều nên học phí là một vấn đề nan giải. Do đó, họ rất mong các DN hỗ trợ tạo điều kiện để CNLĐ được học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề”, anh Đinh Văn Hải, CN Công ty TNHH Pro Active Global Việt Nam (phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một) nói.

Đi tìm “lời giải”

Trước mong muốn được học tập của CNLĐ, cũng như từng bước xây dựng giai cấp CN Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các DN đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án đến năm 2020, 70% CNLĐ trong các DN nói chung, 80% CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) có trình độ học vấn trung cấp phổ thông. Về kỹ năng nghề nghiệp, vận động tạo điều kiện để 80% CNLĐ trong các DN nói chung, 90% CNLĐ làm việc tại các KCN, KCX được qua đào tạo nghề; 50% CNLĐ được đào tạo lại, 40% CNLĐ có tay nghề. Hàng năm tạo điều kiện để CNLĐ trong các DN được tham gia học tập ngoại ngữ, tin học. Riêng về nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, phấn đấu 70% CNLĐ được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những bài học chính trị cơ bản, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến NLĐ. Ngoài ra, đề án còn hướng đến rèn luyện kỹ năng sống, với 70% CNLĐ được học tập, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nắm bắt thông tin, kỹ năng tiếp cận cộng đồng, kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội; 70% nữ CNLĐ được học tập, tìm hiểu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

Để thực hiện đề án trên, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố phải hướng dẫn mở các lớp bổ túc văn hóa tại DN, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho CNLĐ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho CNLĐ tham gia học tập bằng các hình thức; tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các ngành có liên quan mở rộng các hình thức dạy nghề trong DN, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở khu, cụm công nghiệp; tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hướng dẫn thi thợ giỏi, thi nâng cao bậc thợ hàng năm tại DN…

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên