Trông chờ sự chuyển mình giữa Rồng và... Rắn

Cập nhật: 08-02-2013 | 00:00:00

Năm Nhân Thìn, những tưởng bóng đá Việt Nam sẽ như con Rồng bay lượn trên bầu trời xanh. Nhưng ngược lại là đằng khác, thực sự chỉ bay được 6-7 tháng đầu năm, đến khi V-League 2012 vừa hạ màn là đón nhận cuộc khủng hoảng kéo dài cho đến hôm nay.

Những thống kê đáng quên

Có đến 6 đội bóng dừng bước mà mỗi cuộc nghỉ chơi đều có những lý do rất riêng, nhưng chung quy cũng từ chuyện tiền. Nhà tài trợ không còn đủ sức để cáng đáng chuyện đầu tư và đôi bên cùng nhất trí kết thúc.

Khởi đầu bằng việc Navibank SG lên sàn chuyển giao với thông báo đầu tiên là trả về cho thành phố và sau cùng là xóa tên sau khi chuyển giao về XMXT.Sài Gòn. Nhưng có mấy ai may mắn được báo trước như ở Navibank SG hay Trẻ SHB Đà Nẵng, các đội còn lại đều “chết” bất ngờ từ Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu cùng 2 đội bóng của Khánh Hòa. Có nơi sau buổi tập đã được HLV trưởng triệu tập họp gấp chỉ để thông báo ngắn gọn: “Mai các em tạm ngừng tập để chờ thông báo”, đó là câu nói khó nhất trong đời cầm quân mà các ông Vũ Quang Bảo và Nguyễn Trung Hậu phải đắng lòng thốt lên.

 Navibank SG bị xóa phiên hiệu là nỗi đau của người hâm mộ bóng đá TPHCM.  Hệ quả của việc một loạt đội bóng nói lời chia tay đã làm rối loạn từ giới đá bóng cho đến VPF và cả VFF. Lần lượt dời lễ họp bốc thăm triển khai mùa bóng mới sang tận cuối năm 2012, nhưng đến thời điểm này vẫn còn nhiều nơi còn phải gắng gượng cùng gồng mình vượt khó.

Bóng đá đã lệ thuộc quá nhiều vào những ông bầu và một khi mà bầu hết vui, cạn tiền thì cuộc chơi đối với họ cũng kết thúc. Kèm theo đó là những hệ quả mà không chỉ từ giới cầm quân.

Hàng trăm cầu thủ... ra đường

Hệ quả của chuyện 5-6 đội bóng nghỉ chơi đã làm cho hàng trăm cầu thủ cũng chơi vơi theo. Ai nhanh chân thì nhảy kịp sang đội bóng mới, ai chậm chân chỉ có nước đi đá phủi hoặc chuyển nghề. Khổ là cầu thủ vốn đã dấn thân vào nghiệp bóng đá thì chuyện học vấn của họ làm sao tới nơi tới chốn? Họ chỉ tìm đến những lò đào tạo cầu thủ để tạm duy trì công việc hoặc những ai tích lũy kha khá tiền bạc trước đó thì mở quán ăn.

Ngoại binh thì lặng lẽ về quê hoặc tìm sang các nước khác ở Đông Nam Á để tìm vận may, cầu thủ trong nước mạnh ai nấy chạy và không tìm được chỗ dựa hay sự bảo bọc nào từ những người lớn. Cuộc chơi chuyên nghiệp quả lắm khắc nghiệt và khó đỡ khi “chỉ sau một đêm thì mọi chuyện có thể thay đổi, bất cứ cầu thủ hay HLV nào đều có thể thất nghiệp”, HLV Nguyễn Thành Vinh đã có những nhận xét rất thực về bóng đá Việt Nam nửa cuối năm qua.

Sẽ không còn cảnh cầu thủ bóng đá là khách quen ở những quán bar, vũ trường về đêm; sắm sửa xe ô tô đắt tiền như để thể hiện giá trị của mình. Cầu thủ lúc này tìm được một đội bóng để trú thân đã là điều quá quý chứ không thể hy vọng thêm được điều gì.

Không nhờ được Rồng, đành cậy vào Rắn

Cơn khó khăn về kinh tế thực tế chưa hẳn đã hết, vẫn còn lắm chuyện đang chờ đợi trong năm 2013 này. Nhưng ít ra, cuộc khủng hoảng trên cũng là dịp để xắp xếp lại mọi thứ mà chỉ có nơi nào thực sự căn cơ, ổn định và tâm huyết cùng bóng đá thì mới hy vọng tiếp tục cuộc chơi.

Bóng đá đã trở về với đúng như giai đoạn đầu của chuyên nghiệp, giới làm bóng đá cũng ngấm đòn sau cả chục năm thả nổi mọi chuyện. “Dù gì thì quả bóng chuyên nghiệp vẫn sẽ lăn và các sân cỏ vẫn sáng đèn. Khó khăn đấy, nhưng cũng là dịp để tất cả cùng ngồi lại, tái cấu trúc bóng lại mọi thứ…”, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói.

Sau những ngày nghỉ tết ngắn ngủi, quả bóng chuyên nghiệp mùa bóng 2013 sẽ chính thức lăn từ cuối tháng 2 bằng trận tranh Siêu cúp. Trong bể khó khăn, may cũng còn nhiều nơi đứng vững từ Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai, Becamex Bình Dương, Đồng Tâm Long An, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An… đó là những nơi đã xây dựng được tính căn cơ ngay từ khi còn bay trên trời cao cùng sự phát triển về kinh tế.

Nhưng trên hết là việc vận hành các hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ đang được nhiều nơi tất bật tiến hành. Đó mới là nền tảng thực sự của việc làm bóng đá, thay cho chuyện mua-bán phần ngọn, từ CLB cho đến cầu thủ. Năm Quý Tỵ chưa hẳn kinh tế sẽ phục hồi chóng vánh, theo đánh giá chung vẫn còn khó khăn mà nhiều doanh nghiệp còn phải gắng gượng để vượt qua. Nhưng ít ra vẫn có nhiều tín hiệu khả quan để khẳng định bóng đá chuyên nghiệp sẽ không “chết”, “tất cả vẫn kỳ vọng vào sự năng động, trí tuệ của VFF cũng như VPF trong giai đoạn khó khăn này” - ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng nhận xét.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên