Phát triển kiến trúc cho Thành phố thông minh Bình Dương: Cần dựa trên kiến trúc tổng thể về công nghệ

Cập nhật: 22-02-2019 | 05:52:31

Chiều qua (21-2), UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo phát triển kiến trúc cho Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương. Tham dự hội thảo có ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các diễn giả trong, ngoài nước. Hội thảo đã triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2019-2020 trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương, mô hình kiến trúc chính quyền tỉnh Bình Dương; các chuyên gia chia sẻ những giải pháp phát triển kiến trúc cho TPTM như phát triển kiến trúc TPTM, xu hướng phát triển giao thông thông minh...

 Các đại biểu tham gia Hội thảo phát triển kiến trúc cho Thành phố thông minh Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Phát triển đô thị thông minh với nền tảng ứng dụng CNTT

Hiện nay, việc xây dựng đô thị thông minh là một xu thế đã được nhiều thành phố trên thế giới triển khai thành công. Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT với những năng lực mới do công nghệ đem lại như điện toán đám mây, kết nối và đo lường trực tuyến, xử lý dữ liệu quy mô lớn, nhận dạng, công nghệ số, di động, internet vạn vật… đã và đang giúp các nhà quản lý đô thị xây dựng các chiến lược mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với cách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn. Có thể nói, phát triển đô thị thông minh với nền tảng ứng dụng CNTT được xác định là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nhanh hơn, bền vững hơn.

Đối với Bình Dương, theo báo cáo, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là hạ tầng kỹ thuật viễn thông, CNTT được triển khai rộng khắp, tốc độ cao, hiện đại; đã hình thành trung tâm dữ liệu của tỉnh; một số phần mềm phục vụ chính quyền điện tử được đưa vào sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, so với các yêu cầu xây dựng đô thị thông minh, hạ tầng CNTT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ tất cả các bên liên quan, đồng thời cần có một kế hoạch, kiến trúc tổng thể, toàn diện, linh hoạt với những bước đi cụ thể, phù hợp với phát triển của công nghệ và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về xu hướng phát triển kiến trúc cho TPTM, tiến sĩ Sang Keon Lee, Viện Nghiên cứu định cư Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc đã vận dụng thành công kiến trúc để xây dựng TPTM. Các thành phố trên thế giới đều có cơ sở hạ tầng, phát triển phần cứng và phần mềm với điều kiện khác nhau và đưa ra các tiện ích. Theo ông, điều quan trọng nhất khi xây dựng TPTM là lên kế hoạch và đánh giá hiệu quả kế hoạch. Hiện nay, các vấn đề đang đặt ra đối với các nước phát triển là giao thông, y tế, môi trường, giáo dục...; việc xây dựng TPTM phải giải quyết được những vấn đề bức xúc nói trên. Trên cơ sở đó, các nước phát triển lựa chọn vấn đề cấp thiết nhất để lên kế hoạch giải quyết, tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề.

Tiến sĩ Sang Keon Lee cho biết thêm, để xây dựng thành công TPTM, trước hết cần lên kế hoạch, thực thi và đánh giá việc thực hiện kế hoạch đã đạt được gì; các bước này phải làm nhiều lần để đạt bước tiến lớn. Bình Dương đã có đề án xây dựng TPTM - đây là nền tảng rất quan trọng để triển khai các bước xây dựng TPTM, trong đó có xây dựng kế hoạch tổng thể. Giải pháp này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng TPTM của tỉnh. Vậy làm thế nào để Bình Dương xây dựng được kế hoạch cụ thể? Theo ông, khi xây dựng TPTM thì tất cả mọi người đều phải tham gia xây dựng thành phố này. Vì xây dựng TPTM, yếu tố quan trọng nhất là việc tích hợp và xây dựng như Hệ điều hành TPTM, trung tâm điều hành, các thiết bị thu thập thông tin, kiến trúc chuẩn kết nối, các dịch vụ cho TPTM. Theo đó, để phát triển TPTM, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng.

Phát triển các yếu tố nền tảng

Triển khai xây dựng TPTM, thời gian qua tỉnh đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT - là nền tảng cơ bản để phát triển TPTM, nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển. Các dự án liên quan lĩnh vực giao thông vận tải đã được tỉnh triển khai, như hệ thống xe buýt Becamex - Tokyu hiện đại, sử dụng nhiên liệu sạch; nghiên cứu nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2018-2020; thu phí tự động không dừng trên quốc lộ 13; thí điểm trạm cân tự động và hệ thống camera giao thông thông minh tại một số tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hệ thống tích điện tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông; nghiên cứu triển khai hệ thống xe buýt nhanh BRT kết nối với các tỉnh lân cận; kế hoạch nghiên cứu xây dựng đường sắt và logistics kết nối các khu công nghiệp đến các cảng, sân bay để vận chuyển hàng hóa, giảm lượng xe tải, giảm ùn tắc và tại nạn giao thông trên đường bộ…

Nhiều dự án về đèn LED, chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng cũng đã được tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện. Có thể kể đến như tỉnh cùng các doanh nghiệp trên địa bàn lắp đặt hệ thống đèn LED ở TX.Dĩ An; đưa vào vận hành hơn 6.000 bóng đèn LED thông minh tại Thành phố mới Bình Dương, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các khu công nghiệp...

Cùng với đó, một số dự án liên quan lĩnh vực CNTT mang tính đột phá cũng đang được tỉnh thúc đẩy triển khai, như xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và phần mềm chuyên ngành xây dựng đã thí điểm tại TP.Thủ Dầu Một. Một số địa phương trong tỉnh cũng chủ động đóng góp vào việc xây dựng TPTM của tỉnh, điển hình là TP.Thủ Dầu Một đã ban hành quyết định triển khai nghiên cứu cơ sở hạ tầng CNTT trong lĩnh vực quản lý đô thị, môi trường và hành chính công.

Tại phiên tọa đàm về xu hướng phát triển các yếu tố nền tảng phục vụ xây dựng TPTM và chính quyền điện tử Bình Dương, tiến sĩ Sang Keon Lee cho biết xây dựng TPTM, Bình Dương cần dựa trên kiến trúc tổng thể về công nghệ, có hướng dẫn phân loại và nên chọn tiêu chuẩn để phù hợp, hiệu quả; cần thu thập thông tin, phân loại để không trùng lặp. Sau khi có thông tin về nền tảng, các đơn vị tạo ra những ứng dụng phù hợp hơn và bán các ứng dụng ngược trở lại để phục vụ cho chính quyền TPTM.

Đối với việc triển khai công tác ứng dụng CNTT giai đoạn 2019-2020 trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương, ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho biết nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là hoàn thiện và sử dụng hiệu quả trung tâm dữ liệu tỉnh, trung tâm dữ liệu dự phòng, hệ thống hội nghị truyền hình ba cấp, trục tích hợp dữ liệu của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật cấp huyện, cấp xã; từng bước hình thành trung tâm điều hành TPTM. Về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh sẽ triển khai các ứng dụng dùng chung như một cửa, quản lý văn bản, dịch vụ công, các ứng dụng nội bộ các cơ quan Nhà nước, đường dây nóng 1022, hệ thống quản lý giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Về an toàn thông tin, tỉnh xác định cấp độ hệ thống thông tin nhằm có kế hoạch bảo vệ, triển khai các biện pháp giải quyết, đánh giá tìm lỗ hổng của các website, hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước; đồng thời tăng cường thông tin truyền thông và tập huấn kỹ năng an toàn thông tin…

 Phát biểu tại Hội thảo phát triển kiến trúc cho TPTM Bình Dương, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh mục đích của hội thảo là mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học chia sẻ, giới thiệu những kinh nghiệm quý, những giải pháp hay trong việc phát triển các yếu tố nền tảng về CNTT phục vụ xây dựng đô thị thông minh, giúp Bình Dương có điều kiện tìm kiếm, phát triển các mô hình phù hợp để có thể triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ông cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hiện trạng cùng các điều kiện riêng của tỉnh để có những tư vấn cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện thành công Đề án TPTM Bình Dương.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên