Công an Bình Dương: Đẩy mạnh công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú

Cập nhật: 25-02-2014 | 00:00:00

 Trong năm 2013, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) CA tỉnh đã bắt 182 đối tượng truy nã, trong đó có 39 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Chỉ riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giữ gìn ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ 6-11- 2013 đến 15-1-2014), Phòng CSTNTP đã bắt, vận động đối tượng, thanh loại được 76 đối tượng; trong đó, các chiến sĩ CA đã vận động được 33 đối tượng ra đầu thú… Để có được thành tích đó, các chiến sĩ CA đã không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng... thuyết phục gia đình số đối tượng trên đồng ý hợp tác, giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ.   Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát TNTP chuẩn bị một chuyến công tác

Trước khi tiến hành vận động một đối tượng nào thì các chiến sĩ CA buộc phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh từng gia đình của người đó; ai là người có sức ảnh hưởng đến đối tượng nhiều nhất, để xuống trực tiếp từng gia đình mà vận động, thuyết phục. Có khi phải đi cả trăm, cả ngàn cây số để tiếp cận gia đình và không ít gia đình đã tỏ rõ thái độ “miễn tiếp khách” khi nhác thấy bóng dáng các anh. Bởi họ “không tin con mình phạm tội”, ai cũng nghĩ rằng “con mình bị vu oan” nên không hợp tác, ra sức bao che gây không ít khó khăn cho các anh trong lúc làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, dù không hợp tác nhưng qua lời nói của gia đình, bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng lóe ra chút manh mối để các anh thêm mạnh tay hơn trong việc truy bắt tội phạm.

Thiếu tá Trần Trọng Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội Truy bắt đối tượng truy nã khác, cho biết: “Gia đình, người thân, những người có uy tín trong dòng họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động đối tượng; bởi vì, họ là người tác động có hiệu quả, khuyên nhủ con em, người thân của họ nhận ra lỗi lầm, đồng ý đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật”. Thế nhưng, làm cách nào để tiếp cận được với gia đình, để họ có thể cởi mở, lắng nghe, hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật là điều không dễ. Công việc này rất mất thời gian, đi lại nhiều lần, đòi hỏi cán bộ CA phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử thì mới tạo được lòng tin đối với gia đình đối tượng. Nhiều lần, các anh phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với gia đình nhằm tạo mối quan hệ thân thiết; qua đó mà từng bước chia sẻ, giải thích cho họ hiểu được cái lợi của việc đưa con em ra đầu thú.

Điển hình vào lúc 1 giờ sáng ngày 12- 1-2014, Phòng CSTNTP đã bắt giữ, vận động, bàn giao 8 đối tượng đang lẩn trốn lệnh truy nã về các hành vi cướp tài sản; cố ý gây thương tích; trộm cắp tài sản và gây tai nạn giao thông cho Cơ quan CSĐT CA TX.Thuận An và TX.Dĩ An để tiếp tục xử lý. Trong đó 5 đối tượng do cán bộ, chiến sĩ CA trực tiếp theo dõi, bắt giữ gồm: Nguyễn Quốc Phượng, SN 1994; Phạm Văn Huy, SN 1990; Bạch Đình Diều, SN 1985; Nguyễn Bá Hùng, SN 1987; Bùi Văn Sang, SN 1983. Qua công tác phối hợp, các anh đã cùng gia đình vận động được Trần Công Thịnh, SN 1992 bị truy nã về hành vi cướp tài sản; Chu Đình Hà, SN 1982 bị truy nã về hành vi trộm cắp tài sản và Nguyễn Hữu Thiệp, SN 1987 bị truy nã về hành vi cố ý gây thương tích.

Thiếu tá Trần Trọng Nghĩa cho biết thêm: “Có thể nói rất ít gia đình tự nguyện đưa con ra đầu thú, bởi tâm lý lo sợ con em của họ bị đánh đập, ngồi tù nên công việc này là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhờ vào sự phối hợp chặt với chính quyền địa phương, nỗ lực của các cán bộ, chiến sĩ mà thời gian gần đây, số đối tượng chúng tôi vận động được đã chiếm tỷ lệ khá cao. Những đối tượng tự nguyện ra đầu thú đều được hưởng chế độ khoan hồng của pháp luật, họ đều được giảm nhẹ hình phạt hơn so với số đối tượng bị bắt theo lệnh truy nã”. Vì vậy, chỉ hơn 2 tháng trong đợt cao điểm mà cán bộ, chiến sĩ đã vận động được 33 đối tượng ra đầu thú. Đó là kết quả rất đáng khích lệ!

Từ những nỗ lực trên, Phòng CSTNTP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động đối tượng ra đầu thú, góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, xét xử. Thượng tá Đỗ Văn Quang, Phó Trưởng Phòng CSTNTP cho biết: “Năm 2014, chúng tôi sẽ tăng cường gửi thư kêu gọi đến tất cả đối tượng phạm tội có lệnh truy nã; mạnh dạn đề xuất với cơ quan điều tra không dùng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng ít nguy hiểm để công tác vận động được dễ dàng hơn. Mặt khác, đơn vị chú trọng làm tốt khâu phối hợp tuyên truyền cho người dân, giúp họ hiểu được các chính sách, chế độ khoan hồng của pháp luật khi đưa con em họ ra đầu thú…”.

 THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=287
Quay lên trên