Lợi ích cho ai?

Cập nhật: 22-04-2014 | 00:00:00

Cuối tuần qua, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam tuyên bố sẽ cấm thi đấu 1 năm đối với tay vợt ĐKVĐ Việt Nam Lý Hoàng Nam vì không chấp hành lệnh triệu tập tập trung Đội tuyển quần vợt Việt Nam. Chúng tôi không bàn đến việc đúng hay sai khi Lý Hoàng Nam từ chối tham gia đội tuyển quần vợt Việt Nam để tập trung phát triển chuyên môn qua những chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế nhằm phục vụ cho mục tiêu làm rạng danh quần vợt Việt - trở thành tay vợt đầu tiên của nước nhà đủ sức chinh phục các giải quần vợt nhà nghề thế giới. Câu hỏi đặt ra là với quyết định trừng phạt này sẽ tốt hơn cho quần vợt Việt Nam hay sẽ đẩy làng banh nỉ nước nhà đi vào ngõ cụt?

 

Tay vợt Lý Hoàng Nam đang đối diện với án phạt từ VTF

Câu chuyện kỷ luật hay không kỷ luật Lý Hoàng Nam tưởng đâu đã khép lại sau buổi làm việc tại Bình Dương vào giữa tháng 3 vừa rồi, giữa ông Phạm Văn Tuấn, Tổng cục phó Tổng cục TDTT; ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) và ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, Liên đoàn Quần vợt Bình Dương (BTF) và nhất là Tổng Công ty Becamex IDC (đơn vị chủ quản của VĐV Lý Hoàng Nam, HLV Trần Đức Quỳnh). Theo đó, tại buổi làm việc trên, có sự ghi nhận của báo chí, VTF đã thống nhất là tất cả cùng gác lại những gì chưa thông hiểu, cùng hướng đến sự phát triển của quần vợt Việt Nam mà cụ thể là sẽ không ban hành quyết định kỷ luật Lý Hoàng Nam.

Thế nhưng, sau đó hơn 1 tháng, VTF đã ban hành án phạt cấm Hoàng Nam thi đấu các giải trong nước do VTF tổ chức trong năm 2014 và đề xuất Tổng cục TDTT không triệu tập vào ĐTVN từ nay đến hết năm 2014. Trong khi đó, HLV Trần Đức Quỳnh bị cấm toàn bộ các hoạt động chuyên môn liên quan đến quần vợt trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trong 2 năm từ 1-5-2014 đến 1-5-2016. Tại sao lại có việc VTF “không giữ lời”? Để trả lời câu hỏi này trong khuôn khổ một bài báo thì không thể nói hết, nhưng có thể tóm gọn rằng: Đó là hệ quả của những bất đồng từ trước đó giữa Công ty Cổ phần Kinh doanh thể thao Bình Dương (gọi tắt là BTC - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Becamex IDC), với VTF. Lý do mà phía Bình Dương đưa ra khi Hoàng Nam từ chối lệnh triệu tập ĐTVN là tay vợt này bận thi đấu các giải trẻ quốc tế theo kế hoạch đã chuẩn bị từ rất lâu trước đó và việc tham gia các giải Davis Cup là không phù hợp và có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển chuyên môn của tay vợt số 1 Việt Nam đang trong quá trình tập trung tối đa để bồi dưỡng chuyên môn.

Rõ ràng, với án phạt từ VTF thì phía thiệt thòi nhất vẫn là bản thân VĐV Lý Hoàng Nam (không có cơ hội bảo vệ danh hiệu ĐKVĐ Việt Nam, mất ít nhất là 1 chiếc HCV đơn nam Đại hội TDTT toàn quốc), rồi người hâm mộ (không có cơ hội được theo dõi những trận đấu của Nam) và sau đó là cả nền quần vợt nước nhà. Bởi, các tay vợt Việt, nhất là những VĐV trẻ chắc chắn sẽ thu nhận được những bài học bổ ích về chuyên môn khi được đối đầu với tay vợt mạnh nhất Việt Nam, nhưng chỉ mới 17 tuổi. Kế đến, nói gì thì Hoàng Nam vẫn là bộ mặt, nhân tố chủ lực có thể giúp quần vợt Việt Nam giành thành tích tại các giải đấu khu vực và châu lục (Asiad 2014 tại Hàn Quốc) và trẻ thế giới, giờ cấm Hoàng Nam - người Việt Nam đầu tiên vào top 50 trẻ ITF - thi đấu thì như tự tước bỏ cơ hội của chính mình.

Nguy hiểm hơn, một lãnh đạo của BTF cho biết: “Một khi HLV Trần Đức Quỳnh và phía Bình Dương quyết theo đuổi đến cùng trong việc đòi lại sự công bằng cho Hoàng Nam bởi án phạt của VTF, đưa vụ việc ra Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) thì VTF sẽ bị phạt nặng bởi những quyết định cảm tính của mình, thậm chí quần vợt Việt Nam có thể bị ITF cấm thi đấu quốc tế. Lúc đó, thiệt hại không chỉ đổ xuống cho Hoàng Nam hay quần vợt Bình Dương mà là cả quần vợt nước nhà”.

Mong là các bên liên quan hãy bỏ qua các bất đồng, xếp lại những cái tôi cá nhân để cùng ngồi lại với nhau một lần nữa nhằm tìm ra tiếng nói chung, giải quyết êm đẹp vụ việc vì mục đích cao nhất là quyền lợi chung và sự phát triển của quần vợt Việt, thay vì đẩy mọi thứ vào ngõ cụt. Từ câu chuyện này, rất mong người đứng đầu ngành thể thao Việt Nam (Tổng cục TDTT) và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thể hiện vai trò của mình, đưa quần vợt Việt trở lại đường băng phát triển thay vì cứ hoài đấu đá nhau.

 LONG VĨNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên