Những đổi thay ở làng chài Minh Hòa, Dầu Tiếng

Cập nhật: 16-10-2015 | 09:40:48

Chúng tôi trở lại làng chài Minh Hòa (tổ 7, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) vào một ngày đầu tháng 10, sự mệt mỏi hầu như tan biến khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên vùng đất bán ngập này. Rất nhiều căn nhà tường xây khang trang đã thay thế cho những căn nhà tạm lụp xụp cách đây mấy năm. Ai cũng vui vẻ, hào hứng khi nói về sự đổi thay.

 Những căn nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều ở làng chài Minh Hòa

Điện lưới đã làm thay đổi cuộc sống

Anh Nguyễn Văn Đỏ, tổ phó tổ 7 và cũng là một cư dân ở làng chài này tỏ ra hào hứng: “Mấy anh nhà báo thấy thế nào, sau mấy năm có thấy làng chài thay đổi gì không?”. Chưa kịp để chúng tôi trả lời, anh Đỏ nói tiếp: Cuộc sống của người dân làng chài hiện tại đã khá lên rất nhiều. Trước đây, cả làng chài gần 30 hộ dân nhưng cũng chỉ có 3 - 4 hộ là có khả năng xây nhà tường, còn lại là những căn nhà được dựng sơ sài. Tuy nhiên, hiện tại như các anh thấy đó, hầu như cả làng chài đều đã làm nhà tường xây, nhà nào cũng mua sắm tivi, đầu máy, nhiều gia đình khá giả còn “tậu” cả máy giặt, máy lạnh, dàn máy hát karaoke để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giải trí.

Một góc thanh bình của lòng hồ Dầu Tiếng, nơi người dân làng chài dựa vào để mưu sinh

Theo anh Đỏ, sự thay đổi của làng chài trước hết là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, trong đó có một phần tác động của báo chí khi đã nhiều lần phản ánh về cuộc sống khó khăn của người dân ở đây. “Sau nhiều lần báo chí phản ánh và qua nhiều cuộc họp có kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã đồng ý cho kéo điện lưới vào tận làng chài này. Làng chài giờ đây ai ai cũng rất vui mừng. Thanh niên trước đây ban ngày chỉ biết nhậu nhẹt, đánh bài để giết thời gian chờ đêm đến thả mình trên những chiếc ghe nhỏ rong ruổi trên lòng hồ để đánh bắt cá nhưng bây giờ việc nhậu nhẹt, bài bạc hầu như không còn, ai cũng cố gắng làm ăn để lo cho cuộc sống của mình. Có điện lưới kéo vào tận nơi nên bà con có điều kiện được tiếp cận với tin tức thời sự, được biết những thông tin trong và ngoài nước. Điều này cách đây một vài năm nằm mơ cũng không có…”, anh Đỏ nói.

Rời nhà anh Đỏ, chúng tôi đến thăm nhà ông Tân, một cư dân trong làng. Theo giới thiệu của anh Đỏ thì trước đây nhà ông Tân cũng khó khăn, tuy nhiên, nhờ phấn đấu làm ăn, hiện nay nhà ông Tân cũng được xem là một hộ có điều kiện kinh tế khá ổn định tại làng chài này. Ngồi trong căn nhà khá khang trang và ấm cúng, khác xa với căn nhà tạm bợ trước đây, ông Tân cho biết: Cũng giống như hầu hết những hộ dân tại làng chài này, trước đây mọi người đều sống trôi nổi theo con nước của lòng hồ Dầu Tiếng, nay đây, mai đó, không có đất đai, nhà cửa. Thấy vậy, một chủ vườn cao su tốt bụng động viên và khuyên mọi người lên bờ để cho đất làm nhà. Lúc bấy giờ, hầu như điều kiện kinh tế ai cũng khó khăn nên gia đình nào cũng chỉ dựng tạm bợ vài tấm tôn hay tấm bạt để có chỗ che mưa, che nắng chứ đâu phải gọi là nhà. Ngừng một lúc, ông Tân nói tiếp: Ông bà ta nói đúng “An cư mới lạc nghiệp”. Sau khi lên bờ ổn định cuộc sống, được chính quyền quan tâm giúp đỡ nên làng chài hiện tại nhà nào cũng cơ bản đủ ăn, cho con đi học đàng hoàng, có nhà còn vươn lên làm giàu, ra ngoài trung tâm xã mua đất cất nhà.

“Điều làm chúng tôi không ngờ là chỉ có chưa tới 30 hộ dân và đường dẫn vào làng chài rất khó khăn vậy mà chính quyền đã cho kéo điện lưới vào tận nơi làm tất cả người dân ở đây cảm thấy rất vui mừng và cảm động. Chính vì có điện lưới nên đã làm thay đổi cuộc sống của cả làng chài này. Buổi tối, thấy các cháu nhỏ ngồi vào bàn học cùng với tiếng bi bô đọc bài dưới ánh điện sáng trưng làm ai cũng cảm thấy vui vô bờ...”, ông Tân nói.

“Chúng tôi không ngờ chỉ có chưa tới 30 hộ dân và đường dẫn vào làng chài cũng rất khó khăn vậy mà chính quyền đã kéo điện lưới vào tận nơi, khiến người dân ở đây cảm thấy rất vui mừng. Chính vì có điện lưới đã làm thay đổi cuộc sống của làng chài này. Buổi tối, thấy các cháu nhỏ ngồi vào bàn học cùng với tiếng bi bô đọc bài dưới ánh điện sáng trưng ai cũng cảm thấy vui vô bờ...”, một cư dân làng chài Minh Hòa nói.

Địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ

Ông Nguyễn Hữu Tài, trưởng ấp Hòa Lộc, cho biết cuộc sống của những hộ dân làng chài đã cơ bản ổn định, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Những mong ước chính đáng lâu nay của bà con đều được chính quyền địa phương xem xét thực hiện. Điện đã được kéo vào tận nơi. Hiện tại buổi tối tại đây như một thành phố thu nhỏ, sáng rực, nhiều lúc nói vui đây là “xóm nhà giàu”. Làm trưởng ấp đã khá lâu và từng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về những yêu cầu của người dân làng chài, bản thân ông Tài cũng rất vui khi chứng kiến niềm vui của bà con ở đây.

Theo ông Tài thì người dân làng chài chỉ còn một mong ước đó là vấn đề hộ khẩu. Bởi gần 14 năm qua kể từ khi chính thức lên bờ sinh sống, các hộ dân làng chài được ví như những công dân “không hợp pháp” vì không ai có một tờ giấy lận lưng. Tuy nhiên, chính quyền cũng đã làm hết trách nhiệm nhưng do khu đất mà họ đang ở là vùng bán ngập, mà theo quy định vùng bán ngập thì không phải là chỗ ở hợp pháp nên rất khó cho việc xem xét cấp hộ khẩu. Biết được điều này nên một số gia đình có điều kiện đã ra ngoài mua đất, cất nhà và làm hộ khẩu theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: Chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của những hộ dân làng chài, bởi cuộc sống của những hộ dân này lúc mới lên bờ rất khó khăn. Do đó, hầu hết những kiến nghị chính đáng của bà con đều được địa phương xem xét, giải quyết thấu đáo, điển hình như việc người dân kiến nghị đưa điện lưới vào làng chài chẳng hạn. Theo ông Liêm, từ ngoài đường ĐT749B vào đến làng chài chỉ khoảng 1,5km nhưng đường rất khó đi, có nhiều vực và phải qua nhiều khu vườn cà phê của người dân, nhưng bằng sự quyết tâm của chính quyền địa phương, sau một thời gian khảo sát và thi công điện đã được kéo tới tận nơi. Chính nhờ có điện mà cuộc sống của người dân làng chài đã phát triển từng ngày, người dân bây giờ không chỉ có đánh bắt cá mà còn làm nhiều việc khác để sinh sống. 

“Riêng về vấn đề hộ khẩu, UBND xã cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để xem xét. Công an huyện cũng đã về tại làng chài này để xác minh nhưng không thể cấp hộ khẩu cho các hộ dân ở đây được vì vùng đất họ ở là vùng bán ngập, là chỗ ở không hợp pháp nên theo quy định của pháp luật là không thể cấp hộ khẩu”, ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay. 

“Chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống của những hộ dân làng chài, bởi cuộc sống của những hộ dân này lúc mới lên bờ rất khó khăn. Do đó, hầu hết những kiến nghị chính đáng của bà con đều được địa phương xem xét, giải quyết thấu đáo!”, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết.

 
NHÂN QUANG - HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên