Thương ơi xe đạp mùa hè!

Cập nhật: 12-06-2012 | 00:00:00

Thương ơi xe đạp một thời

Mỗi chiều tan học phượng rơi bên đường

Áo dài trong gió vương vương

Chở cành phượng vĩ ngát hương lưng trời...

Tứ thơ giàu hình tượng và cảm xúc trong bài thơ Thương ơi xe đạp đã làm thổn thức bao áo trắng nơi sân trường trong mùa phượng vỹ. Chợt nhớ bài hát Phượng hồng với những câu thơ ai cũng thuộc lòng: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng / em chở mùa hè của tôi đi đâu?”. Lòng chợt bồi hồi khi nghĩ đến một hình ảnh khác. Có những trẻ do cuộc sống khó khăn đã bị đánh mất mùa hè. Bởi đối lập với hình ảnh tuổi thơ ắp đầy hoa bướm, mộng mơ lãng mạn ấy, trong cuộc sống đời thường cũng có những chiếc xe đạp chạy ngược xuôi trong hè nhưng không chở đầy hoa phượng mà chở đầy... vé số, bịch nylon... Không khó để ta bắt gặp trên đường phố hình ảnh những bé trai, bé gái độ trên dưới 10 tuổi thậm chí có em chừng 5, 6 tuổi cầm từng xấp vé số, bưng từng mâm bánh, trái cây... mời chào khách đi đường hoặc khách hàng trong những cửa hiệu, quán ăn. Nhiều em chia thành từng nhóm 3, 4 em đi lượm ve chai, có những em lớn hơn một chút thì xin phụ việc, bưng bê trong những quán cơm bình dân hay quán bán hàng ăn sáng, quán nhậu ven đường... Hầu hết các em đều là những đứa trẻ ốm yếu, đen đúa vì phải dầm mưa dãi nắng để lao động như người lớn nhưng số tiền kiếm thêm được mỗi ngày vẫn không đáng bao nhiêu.

Và trên con đường mưu sinh vất vả ấy luôn có những bất trắc và vô vàn cạm bẫy rình rập các em: có thể bị tai nạn giao thông; bị trấn lột; bị kẻ xấu lợi dụng để thông qua các em vận chuyển, tiêu thụ hàng cấm, hàng gian, hàng giả; bị lạm dụng tình dục hoặc sa vào các ổ nhóm chăn dắt ăn xin, trộm cắp... Việc lăn lóc, va chạm sớm với cuộc đời lại thiếu sự quan tâm theo dõi, hướng dẫn, giáo dục của gia đình đã làm cho nhiều em dần sa vào các tệ nạn xã hội, không ít em phải vướng vào vòng lao lý...

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu nhi, nhất là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, dù cộng đồng xã hội, các ngành, các cấp... luôn có những việc làm, những hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để thiếu nhi được đến trường, đến lớp, được có những mùa hè với đầy đủ ý nghĩa của nó... thông qua các cuộc vận động, các phong trào như vận động đóng góp vào quỹ bảo trợ trẻ em, tặng học bổng cho các em thiếu nhi gia đình khó khăn, học giỏi để các em có điều kiện tiếp tục đến trường, vươn lên trong cuộc sống, nhưng thực tế số trẻ em chưa đến tuổi phải lao động kiếm sống cho bản thân và phụ giúp gia đình không chỉ trong những tháng hè mà là suốt những năm tháng các em còn niên thiếu... hiện nay trên địa bàn tỉnh không phải là ít, đặc biệt trẻ em là con của các gia đình lao động nhập cư vào Bình Dương.

Tất cả vì tương lai con em chúng ta. Làm sao đem đến và trả lại những mùa hè đúng nghĩa cho các em còn trong lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta. Mong sao các bậc cha mẹ, phụ huynh cố gắng khắc phục hoàn cảnh khó khăn, đừng bắt con em mình vào đời kiếm sống quá sớm và mong sao các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm tiếp tục chung tay góp sức, có nhiều hoạt động hỗ trợ để động viên các em thiếu nhi, nhất là trẻ em nghèo vượt khó, phấn đấu học tập để trở thành những công dân có ích cho đất nước...

DÂN THƯỜNG

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=282
Quay lên trên