Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2 cấp: Chiếc cầu nối giàu tính nhân văn

Cập nhật: 08-10-2020 | 10:30:35

Một trong những điểm sáng trong công tác cải cách tư pháp của Bình Dương trong thời gian qua là Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp đã đạt tỷ lệ hòa giải thành cao nhất trong số 16 tỉnh được chọn thí điểm. Sau tổng kết, Bình Dương là tỉnh duy nhất tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình này cho đến tháng 4-2020.


Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh tham gia hòa giải một vụ tranh chấp dân sự

Tỷ lệ hòa giải thành cao

Từ ngày 1-11-2018, 7 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) được thành lập và đi vào hoạt động. Theo quy trình tổ chức hòa giải, đối thoại, sau khi tòa án nhận được vụ việc sẽ chuyển đến trung tâm (trừ vụ việc theo quy định không được hòa giải, đối thoại) thì tất cả những hồ sơ khởi kiện sẽ được phân công cho các hòa giải viên, đối thoại viên để thực hiện hòa giải, đối thoại trong thời hạn quy định.

Tính đến tháng 3-2020, tổng số đơn khởi kiện TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương nhận được là 13.023 đơn, trong đó có 12.861 đơn cấp huyện và 162 đơn cấp tỉnh. Tổng số đơn các trung tâm thụ lý là 10.220 vụ, việc. Tổng số vụ, việc các trung tâm đã giải quyết là 9.946 vụ, việc. Số vụ, việc hòa giải, đối thoại thành là 7.818 vụ, việc; trong đó có 7.787 đơn cấp huyện và 31 đơn cấp tỉnh.

Nhờ có sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo TAND 2 cấp tỉnh, các trung tâm đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hòa giải, đối thoại và đạt kết quả cao. Điển hình là trung tâm tại TAND TX.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An và TP.Thủ Dầu Một luôn đạt kết quả cao về số lượng vụ, việc thụ lý, giải quyết. Số vụ, việc hòa giải, đối thoại thành cũng như tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cũng đạt tỷ lệ cao tương tự.

Ông Ngô Văn Minh, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Từ khi các trung tâm đi vào hoạt động, lãnh đạo TAND tỉnh luôn quan tâm, giám sát hoạt động; hàng tuần đều yêu cầu báo cáo số vụ, việc và tình hình hoạt động của trung tâm trong cuộc họp giao ban cơ quan thường xuyên quán triệt chỉ đạo các thẩm phán, thư ký quan tâm đến công tác hòa giải, hỗ trợ và trao đổi nghiệp vụ để các hòa giải viên, đối thoại viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Gắn kết tình làng nghĩa xóm

Nhờ sự linh hoạt trong công việc của hòa giải viên, nhiều vụ việc được hòa giải thành, các đương sự sau những buổi hòa giải đã tìm ra tiếng nói chung.

Tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, nhiều vụ tranh chấp dân sự, kinh tế phức tạp, kéo dài giữa các doanh nghiệp nhiều năm liền đã được hòa giải thành trong niềm vui của các đương sự. Sau những buổi đối thoại trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, các bên đã tìm thấy sự thống nhất và giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho đôi bên. Từ đó, nguyên đơn cũng tự nguyện rút đơn khởi kiện, không đưa vụ việc ra tòa như dự kiến trước khi được hòa giải. Áp lực thụ lý đơn khởi kiện của TAND 2 cấp cũng từ đó mà giảm nhẹ hơn trước.

Nói về hiệu quả hoạt động của 7 Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hòa giải, đối thoại và đạt kết quả cao. Các trung tâm hoạt động hiệu quả góp phần làm giảm áp lực trong công tác thụ lý, giải quyết tranh chấp, giúp tăng hiệu quả công việc tại tòa án”.

Được biết, trên cơ sở thí điểm mô hình này và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, TAND Tối cao đã xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và đã trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2020. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2021. Hiện tại, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương đang trong giai đoạn triển khai một số hoạt động, kế hoạch để nhanh chóng thích nghi với cơ chế của luật. Mong rằng, công tác hòa giải, đối thoại sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động và là chiếc cầu nối hàn gắn những mối quan hệ rạn nứt, khôi phục và củng cố tình cảm gia đình, xóm giềng, hợp tác kinh doanh, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, tăng cường đoàn kết trong nhân dân.

Bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Hòa giải, đối thoại TAND tỉnh, cho biết: “Các vụ án dân sự thường có tính chất phức tạp, kéo dài. Nếu mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời thì quan hệ dân sự sẽ trở nên gay gắt hơn. Do đó, hòa giải, đối thoại là cách để thu hẹp những bất đồng, củng cố lại mối quan hệ, tháo ngòi căng thẳng và tranh chấp giữa các bên để hai bên tìm thấy tiếng nói chung. Mặt khác, các trung tâm hoạt động góp phần làm giảm áp lực trong công tác thụ lý, giải quyết tranh chấp, giúp tăng hiệu quả công việc tại tòa án. Thời gian qua, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương hoạt động có hiệu quả là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, sự hỗ trợ kinh phí của HĐND, UBND và sự làm việc nghiêm túc, tích cực của các trung tâm. Đặc biệt, trong 17 tháng thí điểm, các hòa giải viên, đối thoại viên đã nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của TAND, từ đó nhanh chóng thích nghi với công tác này và đem lại hiệu quả tích cực”.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên