Chủ động trong công tác phòng chống tội phạm: Cần nhân rộng những mô hình hay

Cập nhật: 08-01-2016 | 08:44:43

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 138/CP do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP Chính phủ chủ trì. Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ, để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội…


Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến ngày 6-1 ở đầu cầu Bình Dương

Không coi nhẹ những vụ án “bình thường”

Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2015 của Ban chỉ đạo 138 Trung ương cho thấy, được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương nên các chủ trương, nhiệm vụ đề ra trong năm 2015 cơ bản đã hoàn thành, nổi bật là: Tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND địa phương ban hành phê duyệt nhiều chủ trương, văn bản pháp luật mang tính chủ trương và định hướng chiến lược trong phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm tiếp tục được đổi mới thiết thực. Cả nước đã xây dựng, củng cố và nhân rộng hơn 5.000 mô hình CLB phòng chống tội phạm. Các mô hình này hoạt động ngày càng hiệu quả, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến… Qua đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác và chủ động phòng, chống tội phạm ở cơ sở.

5 năm qua, Chỉ thị 48/CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính chị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” đã được các cấp ủy Đảng ở Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm; đã huy động được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Điển hình, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm được tăng cường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp; nhiều nội dung đạt và vượt các tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ và chương trình công tác hàng năm đề ra (khám phá hình sự đạt trung bình 75%, các vụ trọng án đạt 95%).

Tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã bày tỏ băn khoăn về con số 75% kết quả khám phá án hình sự. Theo ông, phải chăng các ngành, địa phương còn tâm lý đặt nặng các vụ trọng án hoặc những vụ án được dư luận quan tâm mà xem nhẹ những vụ án “bình thường”. Từ đó, đồng chí Lê Hồng Anh nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần quyết liệt hơn với những vụ án nhỏ, góp phần nâng tỷ lệ phá án tăng vượt con số 75%.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP Chính phủ biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đạt được, đặc biệt nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình hay, thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm. Phó Thủ tướng cũng kêu gọi Ban chỉ đạo 138 từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực cao, quyết tâm lớn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm.

Quyết liệt với công tác phòng, chống tội phạm

Tại Bình Dương, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao; đề ra những giải pháp có hiệu quả rất thiết thực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là người đứng đầu; huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm thường xuyên được củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động nên tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững, ổn định.

Điển hình trong thời gian qua, Công an tỉnh đã mở 14 đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, chuyển hóa tình hình an ninh trật tự, địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh; đấu tranh triệt hơn 256 băng, nhóm tội phạm, xử lý hơn 1.331 đối tượng.

Với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình xã hội hóa trong công tác phòng, chống tội phạm. Trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, những điển hình tiên tiến cũng như tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với công tác phòng, chống tội phạm. Tại hội nghị trực tuyến ngày 6-1, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt Ban chỉ đạo 138 tỉnh gửi đến hội nghị những kiến nghị cụ thể: Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội và các ngành tư pháp Trung ương ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số quy định trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Cụ thể, cần xác định ranh giới, tình tiết tranh chấp dân sự với hành vi chiếm đoạt trong các tội phạm xâm phạm sở hữu; hướng dẫn chi tiết như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội danh cướp giật, đất đai, môi trường... Thứ hai, kiến nghị Ban chỉ đạo 138 Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư, trang bị thêm thiết bị, công cụ, phương tiện nghiệp vụ cho lực lượng chức năng trong công tác điều tra, trấn áp tội phạm, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi các đối tượng phạm tội hoạt động ngày càng tinh vi trong khi trang thiết bị, công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng còn hạn chế.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thay mặt Ban chỉ đạo 138 tỉnh gửi đến hội nghị trực tuyến những kiến nghị cụ thể: Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội và các ngành tư pháp Trung ương ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn đối với một số quy định trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Cụ thể, cần xác định ranh giới, tình tiết tranh chấp dân sự với hành vi chiếm đoạt trong các tội phạm xâm phạm sở hữu; hướng dẫn chi tiết như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số tội danh cướp giật, đất đai, môi trường... Thứ hai, kiến nghị Ban chỉ đạo 138 Trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư, trang bị thêm trang thiết bị, công cụ, phương tiện nghiệp vụ cho lực lượng chức năng trong công tác điều tra trấn áp tội phạm, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi các đối tượng phạm tội hoạt động ngày càng tinh vi trong khi trang thiết bị, công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng còn hạn chế.

 

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=707
Quay lên trên